Vận tải biển tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp cảng biển tăng trưởng không như kỳ vọng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang ở trong thời kỳ “khó khăn nhất” như cách nói của ông Nguyễn Cảnh Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty.
Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết, Tổng công ty đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất về khả năng thanh toán cũng như khả năng tạo nguồn. 6 tháng đầu năm 2012 cũng là thời gian ghi nhận sự chống đỡ của các doanh nghiệp vận tải biển trong việc thu xếp nguồn trả các khoản nợ đến hạn.
Việc thiếu hụt nguồn tiền dẫn đến khả năng thanh toán nợ đến hạn ở mức thấp nên ngày càng xuất hiện nhiều khoản nợ quá hạn.
Dư nợ vay của một số con tàu mặc dù đã được cơ cấu lại nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp phải thực hiện giải pháp bán tàu, cắt lỗ. Ông Việt cũng thừa nhận công tác dự báo thị trường của các doanh nghiệp chưa tốt dẫn đến việc đầu tư nhiều tàu trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây.
Mặc dù các dự án có thể thu được hiệu quả ngay khi đưa vào khai thác lúc thị trường thuận lợi nhưng khi thị trường tụt dốc, các doanh nghiệp phải gánh chịu khoản nợ vay lớn, không đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Không ít hãng tàu lớn trên thế giới đã phải báo lỗ trong những tháng đầu năm nay
Các doanh nghiệp cũng chưa chủ động xây dựng phương án cơ cấu tài sản và phương thức sản xuất kinh doanh để giảm áp lực trả nợ cũng như bảo toàn vốn.
Một số dự án cảng mới đưa vào khai thác thì hoạt động chưa hết công suất, chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng thêm chi phí khấu hao, lãi vay, chênh lệch tỷ giá và đặc biệt là giá cước bốc xếp quá thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không như mong muốn.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn thế giới hiện nay, không chỉ riêng Vinalines mà hầu hết các hãng tàu tên tuổi của thế giới đều đang lâm vào cảnh “khó như chưa từng được khó“.
Số liệu thống kê cho thấy những tháng đầu năm, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã phải công bố những khoãn lỗ lớn (trong quý I, Hanjin lỗ 295 triệu USD, STX Pan Ocean lỗ 103 triệu USD, CMA-CGM lỗ 248 triệu USD; Hãng tàu Korea Lines lớn thứ 2 Hàn Quốc, Omega Navigation của Hy Lạp hay Nordic của Đan Mạch... thậm chí đã phải làm thủ tục phá sản).
Tái cơ cấu triệt để các khoản nợ vay
Nhận định năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn với Tổng công ty, đặc biệt là với các doanh nghiệp vận tải biển, Vinalines đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 là đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đội tàu vận tải biển; thanh lý những tàu già, kém hiệu quả để lành mạnh hóa tài chính, đồng thời tập trung triển khai những dự án đóng mới tàu biển trong nước dở dang và hoàn thiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty trình Chính phủ phê duyệt.
Đặt mục tiêu đạt sản lượng vận tải biển năm 2012 là 38 triệu tấn, hàng thông qua cảng là 70 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 26.200 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm, Vinalines tập trung nhiều giải pháp quan trọng trong đó có việc rà soát tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp.
Về các giải pháp tài chính, ông Việt cho biết Vinalines tái cơ cấu triệt để các khoản nợ vay đầu tư đội tàu, cảng biển liên doanh với nước ngoài nhằm giảm áp lực trả nợ;
Rà soát hiệu quả hoạt động của các con tàu cùng với dư nợ còn lại, khả năng trả nợ từ nguồn thu chính những con tàu này để xác định thanh lý một số con tàu khai thác kém để ngăn chặn tình trạng thua lỗ;
Rà soát lại vốn điều lệ của các công ty con, đánh giá lại nhu cầu phát triển với ngành nghề tương ứng để xác định vốn điều lệ mới...
“Các giải pháp về nguồn nhân lực, về thị trường (gồm cả thị trường vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải...) cũng sẽ được Tổng công ty tập trung thực hiện” - ông Việt cho biết thêm.