Theo rà soát của Kiểm toán Nhà nước, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong khi hoạt động, sản xuất kinh doanh còn thua lỗ, vay nợ nhiều nhưng lương trả cho người lao động lại đáng mơ ước so mức bình quân.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2010, cơ bản là các doanh nghiệp đã xây dựng đơn giá, kế hoạch quỹ lương trên cơ sở kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và định biên lao động được Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, qua rà soát của cơ quan kiểm toán, còn một số doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tiền lương, trong khi một số khác lại xây dựng kế hoạch tiền lương chưa phù hợp, chưa gắp với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục là điển hình được phía kiểm toán lấy làm dẫn chứng.
Lương tại công ty mẹ EVN là 13,7 triệu đồng, công ty mẹ VINCEM 15,6 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của KTNN, tại tập đoàn này, mặc dù đã thực hiện đúng đơn giá tiền lương theo Thông báo số 281 của Văn phòng Chính phủ nhưng hệ thống định mức lao động tổng hợp do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB-XH lập vào năm 2008 không phù hợp với thực tế, hầu hết tại các đơn vị có số lao động thực tế sử dụng và hệ số cấp bậc bình quân thấp hơn nhiều so với số lao động định biên kế hoạch.
Quá trình phân phối thu nhập, Kiểm toán nhận xét, chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị thành viên.
Thu nhập bình quân chung của Công ty mẹ EVN năm 2010 bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện là 13,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó thu nhập bình quân Cơ quan Văn phòng cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung.
Không chỉ EVN, KTNN cũng "phê" TCT Xi măng Việt Nam (VICEM) khi một số đơn vị của TCT này đạt hiệu quả kinh doanh thấp nhưng thu nhập bình quân vẫn cao. Lương bình quân năm 2010 của công ty mẹ là 15,6 triệu đồng/người/tháng, gấp khoảng 2 lần so với tiền lương bình quân chung của toàn TCT.
Hơn một nửa số TĐ, TCT Nhà nước phụ thuộc vốn chiếm dụng
Tuy nhiên, cùng với đó, cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra những ví dụ về tình hình kinh doanh không mấy khả quan của những TĐ, TCT nhà nước, mà nổi bật lại vẫn là EVN, năm 2010 lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2009. Lấy ví dụ, lợi nhuận trước thuế 2010 của TCT Xi măng Việt Nam (VICEM) giảm 33,65%, TCT Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) giảm 44%.
Tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, như nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng công ty Xây dựng đường thủy là 37,58%, tập đoàn HUD là 22,73%, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 22,49%...
KTNN còn cho hay, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ các doanh nghiệp không lớn nhưng đa số TĐ, TCT có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính.
Cụ thể, đầu tư ngoài ngành của công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; công ty mẹ - Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) là 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng), bằng 12,09% vốn điều lệ; công ty mẹ EVN là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ...
Trong tổng số 21 TĐ, TCT nhà nước thì có tới 11 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.
Chẳng hạn như, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn 9,19 lần, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 4,79 lần, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện 4,12 lần, tập đoàn HUD 4,01 lần, EVN 3,83 lần, Vinalines 3,12 lần, TKV 2,15 lần...
Một số doanh nghiệp cũng huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn, như công ty Điện lực Hải Phòng, năm 2009-2010, huy động và sử dụng vốn sai mục đích, phát sinh vượt so với kế hoạch nên không cân đối được nguồn vốn 300 tỷ đồng, đến 31/12/2010, số tiền mất cân đối là 191 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, phía kiểm toán vẫn ghi nhận, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi suất ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao...nhưng 19/21 TĐ, TCT Nhà nước được kiểm toán vẫn có lãi trong năm 2010.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và tỉ suất lợi nhuận trên nguồn vốn chủ sở hữu năm kiểm toán này của TKV đạt lần lượt 9.127 tỷ đồng và 34,54%. Các con số này ở TCT Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn là hơn 3.500 tỷ đồng và gần 40%; ở HUD là gần 2.200 tỷ đồng và trên 27%...