Vì sao lãi suất cho vay nơi giảm, nơi không?

Thứ bảy, 21/07/2012, 07:44
Từ hơn một tuần nay, nhiều doanh nghiệp thấp thỏm không biết các khoản vay cũ của mình có được giảm lãi suất về dưới 15%/năm hay không. Các ngân hàng đang có động thái giảm lãi suất cho vay, song trừ các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, các công ty lớn hoạt động tốt, thì đa số doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang phải trả 16 – 18%/năm.
Thông báo ý kiến kết luận của thống đốc trong cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm ngành ngân hàng gửi các ngân hàng thương mại, thể hiện rằng các ngân hàng xem xét giảm lãi suất về dưới 15%/năm trên cơ sở tính toán năng lực tài chính của mình.

Với thông báo này, các ngân hàng cho rằng ngân hàng Nhà nước (NHNN) không bắt buộc ngân hàng nào cũng giảm lãi suất xuống mức nói trên, cũng như nắm rõ nhất việc ngấm ngầm vượt rào lãi suất huy động, dẫn đến khó giảm lãi suất cho vay thấp hơn của không ít ngân hàng thương mại.
 


đa số doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang phải trả 16 – 18%/năm.

Vì vậy, thay vì một thông tư có mức độ pháp lý cao hơn, NHNN ra thông báo như một sự vận động, kêu gọi giảm lãi suất! Đó cũng là lý do vì sao những ngân hàng tuân thủ, thể hiện sự hưởng ứng, mà chẳng thắc mắc trước một chỉ đạo đòi hỏi thi hành ngay mà hơn một tuần vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.
 
Vì tự hiểu nên mỗi ngân hàng có cách làm khác nhau. Đa số dành mức lãi suất ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tốt. Còn những doanh nghiệp khó khăn thì họ chưa… đụng đến. Hơn nữa, là doanh nghiệp kinh doanh vốn, ngân hàng cho rằng không thể cào bằng lãi suất cho người yếu như người khoẻ. Nếu cào bằng mọi loại tín dụng thì không đúng chuẩn với quản lý rủi ro của các ngân hàng.
 
Một vấn đề nữa là sự trầm trọng của nợ xấu khiến các ngân hàng càng muốn thu hồi nợ thay vì cho vay. Theo thống kê của công ty chứng khoán VCBS, trong số 18 ngân hàng đã công bố tỷ lệ nợ xấu năm 2011, chỉ có hai ngân hàng có tỷ lệ giảm là VCB và Bản Việt, trong khi 16 ngân hàng còn lại đều tăng, thậm chí tăng mạnh.
 
Theo ước tính của bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc ngân hàng Hàng Hải, nếu hạch toán đúng và áp dụng chuẩn quốc tế và phân loại nợ, nợ xấu ngân hàng thực chất sẽ đạt tới mức ít nhất là 10% (trên 10 tỉ USD, chiếm gần 10% GDP của Việt Nam hiện nay).

Theo ước tính này, nếu so sánh mức nợ xấu trên với mức vốn tự có đã điều chỉnh theo quy định hiện hành cộng với quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được trích lập, tỷ lệ này sẽ vượt quá 50% (mức báo động đỏ). Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng thực chất đã bị âm vốn (hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) âm), tức đã mất khả năng thanh toán nhưng vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài là chỉ bị khó khăn về thanh khoản.
 
Một số ngân hàng còn đang “ăn đong” trên thị trường liên ngân hàng (mà từ 1.9 tới sẽ bị siết chặt hơn), thì việc giảm lãi suất thực chất chỉ có thể diễn ra trong diện hẹp và ở những ngân hàng thanh khoản tốt, dù đã có chỉ đạo quyết liệt của thống đốc NHNN về việc đưa lãi suất của các khoản vay cũ về dưới 15%!

 
Theo SGTT

Các tin cũ hơn