EVN: "Người dùng phải chịu"

Thứ bảy, 21/07/2012, 14:33
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Đinh Quang Tri cho rằng, từ năm 2015, sản lượng điện phát của EVN chỉ còn chiếm khoảng 17 - 18%  so với cả nước. Tập đoàn này cũng chuyển dần sang phân phối thay vì sản xuất.
 
Từ kết quả của Kiểm toán Nhà nước về việc EVN không gộp nhiều khoản tiền thu được vào hạch toán để giảm giá điện có ý kiến cho rằng Tập đoàn đang làm sai quy định, ông nghĩ sao?
 
Tôi cũng đã có trao đổi với Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái. Ông Khái cũng nói nên diễn giải kỹ để không gây hiểu sai. Thực tế, kết luận của kiểm toán có từ năm 2010 và đã công bố khá lâu rồi. Những vấn đề nêu trong đó, EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện, đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính điều chỉnh.
 
Một số người cho rằng, sao không hạch toán khoản cho thuê cột điện với các đơn vị như VNPT, Viettel, FPT vào để giảm giá điện. Nhưng doanh thu EVN đang lỗ, làm sao giảm giá điện, mà chỉ có thể giảm giá thành. Doanh nghiệp kinh doanh điện, thì sản xuất kinh doanh được hạch toán hết cả doanh thu và chi phí.

Theo luật, doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản để kinh doanh những lĩnh vực không bị cấm để tăng tài sản. Với những đơn vị kinh doanh điện bị lỗ, cũng phải hạch toán vào doanh thu và góp phần bù lỗ.
 
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri. Ảnh: H.L

Khoản lỗ của EVN thời gian đó, thực tế là bao nhiêu?
 
Năm 2010-2011, lỗ của Điện lực thực tế hơn 11.000 tỷ đồng. Nhưng nhờ kinh doanh tài chính có lãi nên số lỗ giảm xuống còn hơn 8.000 tỷ đồng. Việc thu chi tài chính của EVN, Kiếm toán Nhà nước cũng đã kết luận là làm đúng quy định của Việt Nam rồi.
 
EVN được hạch toán phần chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong khi các ngành khác không được. Nhiều người nói đây là độc quyền “ép” người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu, quan điểm của ông như thế nào?
 
EVN được bù chênh lệch tỷ giá còn doanh nghiệp khác như Petro Việt Nam, Vinaconex, Lilama… thì không đúng là bất công bằng. Nhưng cái gốc của nó phải từ giá điện.

Giá của các mặt hàng khác đều theo thị trường, dầu mà 100 - 200 USD thì Petro phải bán 100 - 200 đô la, giá xuống 10 USD cũng phải bán với đúng giá đó. Dĩ nhiên khi đó, tất cả rủi ro về kinh doanh, doanh nghiệp phải chịu.
 
Tại EVN thì khác. Giá điện do Chính phủ quyết. Chính phủ bảo lúc này khó khăn không tăng giá điện thì không thể tăng. Thủ tướng cũng đã kết luận lỗi do chính sách, nên Chính phủ phải xử lý. Các khoản vay của EVN có số dư lên tới 7,4 tỷ USD hầu hết đều được Chính phủ vay rồi cho EVN vay lại hoặc bảo lãnh.

Chênh lệch này không có nguồn bù thì Chính phủ phải bỏ tiền, mà lấy đâu ra tiền. Tài sản, tiền này bỏ ra để đầu tư cho ngành điện, thì những khoản chênh lệch đó đều phải phân bổ vào trong giá điện và người tiêu dùng phải chịu.
 
Nghĩa là, khoản chênh lệch này sẽ được phân bổ hẳn vào giá điện?
 
Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ đồng của EVN, Thủ tướng đã chỉ đạo EVN phân bổ dần trong giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm khoảng 6.600 tỷ. Đợt tăng giá điện hôm 1/7 vừa rồi cũng xuất phát từ khoản lỗ treo 26.000 tỷ đồng này. Vì nếu không tăng giá, số tiền này sẽ thành gánh nặng, nên buộc chúng tôi phải đưa nó vào giá điện.
 
Ngoài ra, khoản lỗ từ việc mua giá điện cao, bán giá thấp năm 2010 là hơn 11.000 tỷ đồng chúng tôi sẽ khấu trừ dần vào những khoản lợi nhuận của EVN. Tập đoàn đã họp với ngân hàng, họ nói tỷ lệ nợ đã lớn hơn 3 lần rồi và không cho vay.

Nhưng Chính phủ bảo không thể để thiếu điện và giao EVN làm dự án. Giờ 100% vốn đối ứng dự án là vốn vay, trong số này có 15% vay ngân hàng thương mại trong nước, 85% nước ngoài.
 
Vậy từ nay đến cuối năm còn đợt tăng giá điện nào nữa không? Nếu có, mức tăng dự kiến là bao nhiêu?
 
Theo quy định hiện hành, 3 tháng một lần EVN có nhiệm vụ soát xét lại những yếu tố đầu vào, khoản lỗ còn treo mà Chính phủ cho phép phân bổ dần vào giá điện.
 
Nếu giá điện tăng 5% thì sẽ xin Bộ Công Thương và Bộ Tài chính công bố. Nhưng hai bộ mà không đồng ý thì phải lùi lại.

Từ đầu năm tới ngày 1/7 vừa rồi, EVN có điều chỉnh lần nào đâu. Đến ngày 29/6 Bộ Công Thương ban hành Thông tư 17 thì chúng tôi mới dám điều chỉnh. Chúng tôi cũng hi vọng từ nay đến cuối năm, chênh lệch tỷ giá không phát sinh để điện không phải tăng giá.
 
Sau hơn 2 tuần áp dụng phát điện cạnh tranh, ông có nhận định như thế nào?
 
Thị trường phát điện cạnh tranh mới chỉ hình thành được 20 ngày, và đang vừa chạy vừa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Cả nước mới có 29 nhà máy tham gia thị trường, với sản lượng là 38% tổng sản lượng điện của toàn quốc.

Tháng 10 tới đây, sẽ thành lập 3 tổng công ty phát điện (genco). Đến năm 2015 sẽ tách dần khỏi EVN. Khi đó, điện phát của EVN chỉ là 17 - 18% tổng sản lượng cả nước và vai trò của EVN sẽ là phân phối điện hơn là sản xuất điện.
 
Tuy vậy, trong thời gian đầu, 95% lượng điện sản xuất vẫn phải theo các hợp đồng ngắn, trung, dài hạn. Chỉ có 5% là theo cơ chế thị trường, nên sẽ không có nhiều thay đổi. Song dần dần, biên độ này sẽ được thay đổi tùy theo điều kiện, hoàn cảnh. Điều đó thể hiện ta đang rất thận trọng với việc thả giá điện theo cơ chế thị trường.
 
Thời gian này thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đúng lúc các thủy điện đang dồi dào nước nên giá phát điện còn khá rẻ.

Đến tháng 10, khi thủy điện bắt đầu phải tích nước, tháng 11 nhiều nhà máy phải chạy bằng dầu, thì giá điện sẽ tăng thêm. Theo quy định thì giá điện 3 tháng có thể được thay đổi một lần, nhưng tăng từ 5% thì phải có sự đồng ý của Chính phủ.
 
 
Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích