Dân “oằn mình” gánh chịu các khoản lỗ của EVN?!

Thứ bảy, 21/07/2012, 09:52
Tăng giá điện thêm 5% từ 1/7/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không nhận được nhiều sự đồng tình, thậm chí Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam ông Trần Việt Ngãi trong một phát biểu mới đây còn cho rằng trong điều kiện hiện tại EVN phải giảm giá điện mới đúng…


>> Sẽ phân bổ 6.600 tỷ đồng mỗi năm vào giá điện
>> 'EVN đang lỗ, làm sao giảm được giá điện'
>> 'Dân còn nghèo,sao mang giá điện đi sánh với thế giới?'
>> Giá điện: Tăng vẫn tăng, lãng phí vẫn lãng phí
 

Có lẽ vì vậy, cuối giờ chiều hôm qua, 20/7,ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã chủ trì cuộc tọa đàm (không phải họp báo - theo lời ông Tri) về cơ chế điều hành giá điệntheo Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011- 2014 của EVN.

Theo Thông cáo báo chí của EVN, ngày 29/6/2012, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đ/kWWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 65 đ/kWh (5%) so với giá điện bình quân đang áp dụng (1.304 đ/kWWh). EVN cũng liệt kê các thông số đầu vào cơ bản được sử dụng để tính giá điện từ 1/7/2012.

 


 

Đó là giá than cho sản xuất điện (tăng so với giá than hiện hành từ 10- 11,5% tùy từng loại); Giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau; Giá dầu; Tỷ giá hối đoái giữa VND và USD. EVN cho biết, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 1/7/2012 đến 31/12/2012 là 56,8 tỷ kWWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Camphchia) được sử dụng bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.

Vấn đề được báo giới quan tâm là các căn cứ tăng giá điện, trong đó có tỷ giá. Tại sao nhiều DN khác không được bủ lỗ chênh lệch tỷ giá trong khi EVN - một DN độc quyền lại được bù lỗ, như vậy có ép người tiêu dùng phải gánh chịu khoản lỗ của EVN không? Theo ông Tri, thoạt nghe có vẻ vô lý song cái gốc của nó là giá điện, trong khi tất cả những mặt hàng khác đều theo cơ chế thị trường thì EVN không được thế, giá Chính phủ quyết.

“Tất các DN điện trên thế giới đều thế, chi phí phân bổ dần vào giá điện và người tiêu dùng phải chịu”- ông Tri nói.

Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết khoản chênh lệch tỷ giá cần phải phân bổ dần từ nay đến năm 2015 là 26.000 tỷ, ngoài ra còn khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN khoảng 11.000 tỷ (do mua điện với giá cao, bán với giá thâp) cũng phải phân bổ dần vào giá điện, bởi “nếu không xử lý được thì đây sẽ là gánh nặng” và sẽ không đảm bảo lộ trình “đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo cơ chế thị trường” theo Quyết định 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trả lời của mình, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri nhiều lần nhắc đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ông Tri cho biết, nếu như các DN khác khi triển khai dự án phải có 15% vốn đối ứng thì EVN không có vốn đối ứng nên Chính phủ chỉ đạo cơ chế EVN được vay 100% (85% vay nước ngoài+ 15% vay trong nước) bởi EVN phải đảm nhận trọng trách cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và an sinh xã hội.

Ông Tri cũng tỏ ra cầu thị khi mong muốn báo chí giải thích cho người dân hiểu, vì hệ thống điện (không như xi măng) rất phức tạp, vừa sản xuất vừa tiêu dùng, đồng thời, khi nhu cầu cao, hệ thống quá tải, cả người sản xuất, tiêu dùng đều thiệt hại…

“Bản thân EVN không muốn độc quyền, EVN cũng đã kêu gọi đầu tư, nhưng giá điện không theo cơ chế thị trường. Bản thân EVN cũng rất khó khăn. Tăng giá cao nền kinh tế không chịu được, khách hàng kêu, nhưng nếu thiếu điện lại ảnh hưởng chung đến nền kinh tế… Do vậy tăng bao nhiêu, tăng như thế nào đều phải tuân thủ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nếu Chính phủ chưa cho tăng, chắc chắn cũng chưa được tăng…”- ông Tri quả quyết.

 


Theo Pháp Luật VN

Các tin cũ hơn