Không hạ lãi suất vay cũ sẽ bị khách hàng mới quay lưng
Thứ bảy, 21/07/2012, 10:54
Việc giảm lãi suất nợ cũ xuống dưới 15%/năm khiến các ngân hàng thương mại thất thu khoảng 16.500 tỷ đồng, tuy nhiên đây là một sự chia sẻ cần thiết để góp phần phục hồi nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Một trong những lý do khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) chần chừ đợi “lệnh” giảm lãi suất của Thống đốc NHNN là chỉ tiêu tài chính năm 2012. Việc hạ lãi suất “giữa dòng” đối với tất cả những khoản nợ cũ sẽ làm “hỏng” những kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của mỗi ngân hàng trong năm nay.
Nhiều NHTM sẽ không đạt lợi nhuận cao trong năm 2012. Chính vì vậy, sau Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm (10/7), các lãnh đạo NHTM đã tính nhẩm, họ sẽ mất đứt - 16.500 tỷ đồng nếu thực hiện “vụ” giảm lãi này.
NHTM nào có tỷ trọng dư nợ cũ càng cao thì “thất thu” càng lớn. Trường hợp tỷ trọng này chiếm trên dưới 50%, coi như “vụ mùa” năm 2012 không đủ “lúa” để gặt hái như những năm về trước.
Thật ra, đứng trên bình diện của kinh tế vĩ mô, việc giảm lãi sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của nền kinh tế và đời sống dân chúng. Nói theo định luật bảo toàn năng lượng, vật chất không mất đi mà chỉ tồn tại từ dạng này sang dạng khác. Trong kinh tế học, khi thực hiện bút toán “nợ” của tài khoản này, ắt phải hạch toán “có” tài khoản kia.
Chính vì thế, ngân hàng mất lãi nhưng những doanh nghiệp, người dân sẽ được bằng chính số tiền đó. Cho dù số tiền giảm lãi không lớn đối từng doanh nghiệp nhưng đó là động lực cần thiết để họ có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, tái tạo ra lợi nhuận để trả nợ.
Cứu người vay vốn chính là cứu ngân hàng. Tinh thần ấy sẽ tạo được đồng thuận lớn của xã hội vốn có nhiều “nghi kỵ” về cách áp dụng suất cao của ngân hàng trong thời gian qua.
Dư luận gần đây thường lên án cách áp dụng lãi suất vay vốn của một số NHTM sau khi “trần” lãi suất huy động đã hạ xuống 9%. Tính “ích kỷ” trong kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ, thường đem lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
“Kẻ ăn không hết, người lần không ra” là cách nói của dư luận trong thời gian gần đây khi các NHTM cứ thản nhiên công bố lãi “khủng” và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa, đẩy ra xã hội hàng loạt người thất nghiệp.
Sự gay gắt lên đến đỉnh điểm khi các đại biểu trong kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng nhân dân TP. HCM hôm 11/7 đã đề nghị thẳng chính quyền thành phố “cần có chế tài buộc ngân hàng hạ lãi suất”.
Niềm tin sẽ bị suy giảm nếu sự phát triển kinh tế của một đất nước không tác động đến tầng lớp dân chúng. Một nền kinh tế không có sự đồng thuận của xã hội là nền kinh tế phát triển mất cân đối, có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn về thu nhập.
Sự chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng sâu rộng thêm bởi sự thịnh vượng của một thành phần kinh tế này thường gây ra sự đình đốn và khốn khó cho một thành phần kinh tế khác trong quá trình phát triển.
Và như thế, câu chuyện vực dậy nền kinh tế sau khi vượt khỏi “đáy” suy giảm sẽ trở nên lâu hơn, khó khăn hơn nếu không có sự tham gia của toàn xã hội và đồng thuận của tất cả thành phần kinh tế.
Chính vì thế, động thái quyết liệt và những cam kết của các lãnh đạo các NHTM đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Sự đồng thuận cũng cần tạo ra giữa các NHTM với nhau. Bởi lẽ trong dịp này, nếu có một NHTM nào đó, không hạ lãi suất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN, họ sẽ tự gây ra những phản cảm không đáng có trước công chúng.
Thật khó trả lời khi khách hàng đặt câu hỏi, tại sao đến thời điểm này, ngân hàng nào đó vẫn không chịu hạ lãi suất xuống dưới 15%? Tình hình kinh doanh của quý vị có “vấn đề” hay lợi nhuận làm ra không đủ bù đắp chi phí? Tính thanh khoản, năng lực tài chính, nợ xấu,…đã vượt ngưỡng an toàn?
Chỉ chừng đó thôi, cũng đủ để cho một khách hàng tiền vay hoặc tiền gởi “nói lời chia tay” trong xu thế giảm lãi suất chung của toàn ngành.