Sẽ giải thể, phá sản các DNNN thua lỗ kéo dài

Thứ hai, 23/07/2012, 06:54
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.
Mục tiêu của đề án là cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo.

Là lực lượng quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với DN kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với DN hoạt động công ích.

 
Quyết định này phân loại 3 nhóm DNNN, nhóm 1 là các DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nhóm 2 là các DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nhóm 3 là các DNNN kinh doanh thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên; giải thể, phá sản.
 
Sẽ giải thể, phá sản các DNNN thua lỗ kéo dài

Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn tại các DN sản xuất, phân phối điện quy mô lớn
 
Nhà nước nắm giữ 100% vốn các DNNN ở các lĩnh vực độc quyền nhà nước như quốc phòng, an ninh; xuất bản; thủy nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại 1; in, đúc tiền.

Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, DNNN quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông;

Nắm giữ từ 65 - 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các DN quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; hóa dược; tài chính, tín dụng; bảo hiểm; quản lý, khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn; vận tải đường sắt, hàng không…

 
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...

 
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn