Chào giá, định giá - Một tay EVN

Thứ ba, 07/08/2012, 09:30
"Nói là thị trường điện cạnh tranh, nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa thấy xuất hiện một yếu tố nào được coi là cạnh tranh ở đây” – một chuyên gia ngành điện nhận định sau khi thị trường phát điện cạnh tranh đi vào vận hành hơn một tháng.

Đối tác "đứng ngồi không yên" sau sáp nhập EVN Telecom-Viettel
EVN đang 'chơi xấu' với thủy điện nhỏ
EVN lời lớn, nhưng không giảm giá
Tái cơ cấu EVN: Trong, ngoài ngành đều khó

Khởi hành chậm một năm, cục diện vẫn y nguyên

Vị chuyên gia này nói: Vẫn không khác gì so với trước khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn "một mình một chợ” – truyền tải, phân phối cũng là EVN, khâu mua, bán điện cũng là EVN. Vậy yếu tố cạnh tranh ở chỗ nào?

Thị trường phát điện cạnh tranh được rục rịch triển khai từ năm ngoái, song đến 1-7-2011, thời điểm được cho là sẽ chính thức khởi động thị trường phát điện cạnh tranh, nhìn lại thì EVN vẫn độc quyền tất cả các khâu: truyền tải, mua, bán và phân phối điện… Vậy nên, tiến trình lại phải lùi hẳn sang năm 2012. 
 

Thế nhưng, sau một năm lỗi hẹn, cục diện vẫn không có gì mới mẻ. Vẫn là EVN truyền tải điện, phân phối điện vẫn là EVN, EVN mua điện ở công ty "con” của mình.
 

Được biết, hiện nay có khoảng 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện. Song, tất cả quyền định giá, mua điện của ai, bán cho ai, phân phối điện thế nào… đều một tay EVN điều hành.

Đơn cử, như Công ty mua bán điện EPTC có nhiệm vụ ký kết hợp đồng và thanh toán mua bán điện nhưng dưới sự ủy quyền của EVN. Trong tất cả hợp đồng mua bán điện, EPTC được quyền thanh toán với điều kiện được EVN đồng ý và cung ứng tiền.

Tương tự, Tổng công ty Truyền tải điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), 5 tổng công ty điện tại các miền và cả 62 công ty điện lực tỉnh, TP cũng đều trực thuộc EVN. Thậm chí, theo Hiệp Hội năng lượng Việt Nam (VSA), ngay cả khi thành lập 3 tổng công ty phát điện để tăng tính cạnh tranh, Bộ Công thương vẫn đề nghị các doanh nghiệp này trực thuộc EVN.


"Con” chào giá, "bố” định giá

Đó còn chưa kể, bản thân các doanh nghiệp không thuộc EVN khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh, dường như chỉ là danh nghĩa. Trên thực tế, theo phản ảnh của các công ty nhiệt điện, họ khó có thể cạnh tranh được về giá bán điện so với các nhà máy thủy điện. Theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN, hiện có 29 nhà máy tham gia thị trường phát điện với sản lượng chiếm 38%.

Trong đó 95% sản lượng là thanh toán theo hợp đồng, chỉ 5% lấy theo giá thị trường. Điều này cũng được Phó Giám đốc Công ty mua bán điện khẳng định lại rằng, tỷ lệ nói trên sẽ thay đổi theo hướng tăng dần tính cạnh tranh.

 


Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy thủy điện đều đang giành phần thắng trong việc chào giá bán điện, khi mà có lúc giá họ đưa ra chỉ ở mức 1 đồng/kWh, thậm chí là 0 đồng/kWh (vì được lợi do thời gian qua, nguồn nước về các hồ thủy điện khá dồi dào – PV) thì các doanh nghiệp có giá cao đương nhiên lĩnh phần thua.

Trong khi đó, hầu hết các nhà máy thủy điện đều thuộc EVN (trong số 29 nhà máy điện thuộc 22 công ty phát điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường, thì EVN sở hữu vốn đến 18 đơn vị). Điều này chả khác nào, con chào giá, bố định giá. Cũng có nghĩa, mọi lợi lộc vẫn mình EVN thụ hưởng. Bởi vậy, hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều phản ảnh thực trạng rằng, họ đã phải chịu lỗ nặng sau khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.


Chưa hết, nói về tính minh bạch của thị trường phát điện cạnh tranh cũng lại bộc lộ những mảng tối khi mà chính bản thân vị Phó Tổng giám đốc EVN vẫn thừa nhận, chưa thể tách rời các công ty phát điện ra khỏi EVN.

Còn nhớ, tại một cuộc họp báo liên quan đến vấn đề giá điện do EVN tổ chức hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, khi được đặt câu hỏi: Thị trường phát điện cạnh tranh liệu có đảm bảo sự minh bạch hay không khi bản thân EVN không thể tách rời khỏi những công ty phát điện?

Phó Tổng giám đốc EVN – ông Đinh Quang Tri đã nhấn mạnh rằng, bản thân EVN đã rất muốn tách các công ty phát điện ra khỏi EVN, và chính EVN đã từng có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép EVN tách các công ty này ra khỏi cơ quan chủ thể.

Song lại chính EVN lên tiếng "cảnh báo” rằng: Nếu các công ty phát điện tách khỏi EVN, e rằng sẽ khó mà tồn tại được, vì món nợ mà các công ty này đang gánh lớn hơn gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu, và như vậy, không thể tự đứng độc lập để vay vốn ngân hàng được.

Nói như vậy, rõ ràng EVN đang chơi đòn "lập lờ”… để rồi, những "mong muốn” được tách bạch ấy của EVN lại không có gì thay đổi, khi mà Thủ tướng vẫn chấp nhận không tách các công ty phát điện khỏi EVN cho đến khi nào các công ty này thực sự khỏe mạnh, có thể đứng được độc lập. Một thị trường phát điện chỉ thực sự minh bạch khi EVN không thâu tóm toàn bộ các công ty phát điện. Điều này, cho đến thời điểm này là hoàn toàn không có.


Nói cho cùng, cho đến giờ phút này, chưa hề có một yếu tố nào đủ để cho dư luận thừa nhận rằng: EVN không còn độc quyền. Hay nói cách khác, chưa thấy một yếu tố nào đủ để chứng minh sự minh bạch trong cách điều hành của "nhà đèn” để tạo nên một thị trường phát điện thực sự mang tính cạnh tranh.

 
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn