Nhìn lại tháng 7: Giảm điểm do vĩ mô chậm cải thiện
TTCK tiếp tục giảm điểm trong tháng 7, ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp. Biên độ dao động của thị trường nằm trong kênh giá của các chỉ báo kỹ thuật (vùng 400 - 440 điểm đối với VN-Index và 66 - 74 điểm đối với HNX-Index). Thị trường tăng điểm khi giảm đến vùng hỗ trợ và điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự của kênh giá.
Khả năng giảm lãi suất trong tháng 8 là khả thi?
Mức độ phục hồi kỹ thuật của thị trường khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ trong tháng qua cao hơn so với các thời điểm trước đó.
Ngoài nguyên nhân mang tính kỹ thuật, yếu tố hỗ trợ thị trường là: (1) kỳ vọng lãi suất tín dụng được điều chỉnh giảm mạnh theo đề xuất của NHNN; và (2) KQKD quý II/2012 khả quan (90% DN công bố kết quả có lãi) trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Về nửa cuối tháng, thị trường trở lại xu hướng giảm điểm với thanh khoản thấp. Áp lực cung tại đường biên dưới của kênh giá không nhiều. Tuy nhiên, lực cầu tham gia thị trường yếu, khiến diễn biến giao dịch khá trầm lắng. Thị trường ghi nhận một tuần dao động tích lũy quanh ngưỡng hỗ trợ của đường xu hướng tăng trung hạn.
Diễn biến trên do những nguyên nhân chủ yếu sau:
Hiệu quả chính sách chưa như kỳ vọng. Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục được chú trọng triển khai trong tháng 7. Về chính sách tài khóa, Chính phủ đã cho phép ứng trước 30.000 tỷ đồng ngân sách năm 2013, nâng tổng nguồn chi NSNN đến cuối năm lên khoảng 160.000 tỷ đồng, tập trung giải ngân trong quý III.
Về chính sách tiền tệ, đến 27/7, đã có 50% các khoản vay cũ được điều chỉnh lãi suất về 15%/năm. Mặt bằng lãi suất tín dụng trung bình cũng đã giảm xuống còn khoảng 15 - 16%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 17 - 18%/năm của tháng trước.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất được thực hiện dựa trên thực trạng tài chính và sự chủ động chia sẻ khó khăn của ngân hàng đối với doanh nghiệp, do vậy, còn thiếu tính phổ biến. Mặt khác, vấn đề có tính chất quyết định đến hoạt động của doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.
Tín dụng ra nền kinh tế đến cuối tháng 7 chỉ tăng 0,57%, giảm so với mức 0,76% của tháng 6, khi thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất. Điều này cho thấy, các chính sách vĩ mô chưa đem lại nhiều hiệu quả thiết thực đến nền kinh tế.
Nền kinh tế còn khó khăn, dù các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng vẫn được đẩy mạnh triển khai. Số liệu vĩ mô công bố trong tháng 7 cho thấy, nền kinh tế vẫn trong tình trạng khó khăn.
Cụ thể:
(1) CPI tháng 7 giảm 0,29%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, bất chấp động thái điều chỉnh giá điện, làm gia tăng mối quan ngại về nguy cơ giảm phát;
(2) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011;
(3) Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do HSBC công bố tiếp tục xu hướng giảm mạnh, do thị trường tiêu thụ thu hẹp.
Những chỉ số này phản ánh hoạt động sản xuất - kinh doanh của đa số doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể đến hết tháng 7 tăng lên 30.300 doanh nghiệp, từ mức 26.300 vào cuối tháng 6.
Tính toán theo KQKD quý II/2012 của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn, cập nhật đến 3/8/2012, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp vẫn giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8: Trở lại xu hướng tăng?
Kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã định hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư phát triển, xử lý vấn đề nợ xấu ngân hàng; khơi thông dòng tín dụng và tái cơ cấu DNNN, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo mối tương quan giữa VN-Index và CPI, TTCK tạo đáy sau khi chỉ số CPI tạo đỉnh, với độ trễ khoảng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, đà đi lên chỉ bền vững khi diễn biến này đi kèm với sự cải thiện dòng tín dụng, tương đương với dòng tiền ra nền kinh tế.
Thực trạng tăng trưởng tín dụng thấp là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường vẫn trong xu hướng dao động hẹp, cho dù áp lực lạm phát đã giảm mạnh.
Về phía yếu tố kỹ thuật, thị trường đang dao động theo chiều hướng tích lũy, khi giảm đến ngưỡng hỗ trợ của đường xu hướng tăng giá trung hạn (khoảng 410 điểm của VN-Index và 69 điểm của HNX-Index). Diễn biến thị trường cho thấy, tương quan cung cầu khá cân bằng. Để thay đổi xu hướng, thị trường cần tăng hoặc giảm mạnh qua mốc hỗ trợ với thanh khoản đột biến.
Để thị trường thiết lập xu hướng tăng, vấn đề mang tính quyết định là yếu tố dòng tiền. Yếu tố nhà đầu tư quan tâm hiện tại là sự cải thiện của nền tảng vĩ mô, trước hết là tăng trưởng tín dụng và thị trường tiêu thụ.
Thông tin chi tiết hơn về việc giải quyết nợ xấu cũng là vấn đề được quan tâm, khi trong tháng 8, NHNN sẽ ban hành quy định chặt chẽ hơn về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng.
Điểm kỳ vọng vĩ mô trong tháng 8 là:
(1) Khả năng tiếp tục giảm lãi suất, khi CPI cả năm dự kiến chỉ tăng 5 - 6% và trước đó, NHNN cũng đã tuyên bố lãi suất huy động sẽ về 8%/năm nếu CPI cả năm khoảng 7%;
(2) Mức độ giảm được dự báo thấp hơn của chỉ số CPI sẽ giúp dịu bớt quan ngại về khả năng giảm phát;
(3) Tác động rõ ràng hơn của việc chi đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, sau nhiều tháng đẩy mạnh triển khai.
Chúng tôi cho rằng, khả năng giảm lãi suất trong tháng 8 là khả thi. Tác động rõ ràng hơn của chính sách cũng là yếu tố có thể kỳ vọng, khi quý III là thời gian cao điểm đẩy mạnh chính sách.
Xét trên thực tế, những giới hạn chính sách về bội chi NSNN, vấn đề nợ xấu ngân hàng, mối tương quan giữa lãi suất - tỷ giá và sức ép lạm phát quay trở lại vẫn sẽ là yếu tố chi phối động thái của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn sẽ là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh hiện tại.
Với những phân tích trên, có hai kịch bản có thể xảy ra trong tháng 8:
(1) Thị trường phản ứng tích cực với vùng hỗ trợ, thiết lập xu hướng tăng điểm dựa trên những kỳ vọng vĩ mô. Ngưỡng kháng cự của thị trường trong trường hợp này là khoảng 440 điểm đối với VN-Index và 74 - 77 điểm đối với HNX-Index.
(2) Thị trường giảm qua vùng tích lũy, xuống mức giá hấp dẫn hơn trước khi tăng điểm trở lại. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường theo kịch bản này là khoảng 395 - 405 điểm đối với VN-Index và 66 điểm đối với HNX-Index.
Chúng tôi kỳ vọng TTCK sẽ có những chuyển biến tích cực trong tháng 8. Diễn biến thị trường theo kịch bản nào phụ thuộc nhiều vào diễn biến của chính sách vĩ mô và thanh khoản của thị trường. Với diễn biến hiện tại, khả năng thị trường tăng dần từ vùng hỗ trợ của đường xu hướng trung hạn đang có xác suất cao hơn.