Sai phạm “hệ thống” tại SMEs

Thứ hai, 06/08/2012, 15:40
Sự việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nơi ở và tiến hành bắt tạm giam Chủ tịch HQĐT kiêm Tổng giám đốc Phan Huy Chí và Phó chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn của CTCK SME (SMEs) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thực tế từ khá lâu có những dấu hiệu cho thấy SMEs đã xảy ra những sai sót trong vận hành mang tính hệ thống và xuất hiện không ít những dấu hiệu cảnh báo.

Những dấu hiệu nguy hiểm

Cuối năm 2010, tổng tài sản của SMEs đạt gần 670 tỷ đồng, nhưng trong đó công ty có những khoản phải thu ngắn hạn từ CTCP Tư vấn Anh - là cổ đông sáng lập của SMEs - hơn 22 tỷ đồng; CTCP Quản lý quỹ SME - SMEs tham gia góp vốn - gần 80 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm này, VĐL của SMEs đạt 225 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng giá trị các khoản “phải thu ngắn hạn khác” đã lên đến gần 280 tỷ đồng, trong khi các khoản “phải trả, phải nộp khác” lên đến 310 tỷ đồng.

Điều đáng nói ở đây là mặc dù khoản “phải trả, phải nộp khác” có giá trị cao gần gấp rưỡi VĐL và gần bằng phân nửa cơ nguồn vốn, lại không thấy thuyết minh rõ ràng nhưng đơn vị kiểm toán của SMEs là Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính lại không đả động đến?
 



Giao dịch tại CTCK SME. Ảnh: KIM NGÂN
 

Thậm chí BCTC 2011 của SMEs được kiểm toán đánh giá là “…phản ánh trung thực, hợp lý, phù hợp”.

Đến BCTC bán niên 2011 được soát xét, các khoản phải thu khác của SMEs đã tăng gấp 2 lần so với đầu năm, đạt mức 577 tỷ đồng nhưng cũng không thấy thuyết minh rõ ràng. Nhưng đơn vị soát xét là Công ty TNHH Kiểm toán Kreston ACA Việt Nam vẫn đưa ra ý kiến về BCTC bán niên 2011 của SMEs là “…trung thực, hợp lý”.

Mãi đến tháng 11, SMEs mới công bố phụ lục bổ sung về thuyết minh BCTC bán niên 2011. Lúc này mới lộ diện các khoản phải thu từ “người nhà” của SMEs như phải thu hợp đồng môi giới trái phiếu của CTCP Đầu tư SME - SMEs có tham gia góp vốn - hơn 100 tỷ đồng, CTCP Tư vấn Anh 50 tỷ đồng, cựu thành viên HĐQT…

Các khoản phải trả, phải nộp khác của SMEs cũng tăng mạnh từ 310 tỷ đồng lên 610 tỷ đồng trong đó có một số tổ chức tài chính trong vai “chủ nợ” của SMEs.

Điều phải đến sẽ đến

Theo cơ quan điều tra, khoảng tháng 4-2010, PVI ký hợp đồng hợp tác đầu tư CK với ông Hoàng Ngọc Anh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và SMEs. Theo đó, PVI là bên A, ông Hoàng Ngọc Anh là bên B và SMEs là bên C.

Nghĩa vụ của SMEs, bên cạnh việc cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin của ông Hoàng Ngọc Anh cho PVI, còn chịu trách nhiệm phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Hoàng Ngọc Anh, giải tỏa, bán chứng khoán cho bên PVI.

Để thực hiện hợp đồng, bên A đã chuyển vào tài khoản SMEs gần 108 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện SMEs đã lừa dối PVI vì tư cách pháp nhân của ông Hoàng Ngọc Anh không có thật. SMEs đã tự tạo ra các giấy tờ, thủ tục mang tên ông Hoàng Ngọc Anh.

Đến nay, SMEs mới trả lại cho PVI khoảng 65 tỷ đồng, số còn lại SMEs không còn khả năng chi trả. Theo SMEs, ông Phan Huy Chí là thạc sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Còn ông Phạm Minh Tuấn đã từng giữ vị trí Trưởng phòng Quản lý tài chính của UBCKNN. Ông Tuấn tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ và thạc sĩ Kinh tế Đại học Libre de Bruxelles (Solvay Business School - Bỉ).

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, SMEs là một trong những CTCK có hệ thống công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng, có thể xem như một chứng chỉ ISO trong ngành chứng khoán.

Bên cạnh đó, phần mềm giao dịch trực tuyến của SMEs cũng được đánh giá là sản phẩm giao dịch chứng khoán được ưa chuộng. Tuy nhiên, trái ngược với việc đầu tư bài bản trong hệ thống công nghệ, sự minh bạch cũng như chất lượng nhân sự của SMEs lại có vấn đề. Nếu xem xét cả quá trình hoạt động của SMEs khoảng 1 năm gần đây, nhiều người không cảm thấy bất ngờ.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, từ ngày 1-11-2011 đến 5-12-2011, đã 2 lần SMEs lâm vào tình trạng thiếu hụt tiền trong thanh toán bù trừ với quy mô giao dịch bị hủy lần 1 vào khoảng 1,6 tỷ đồng và lần 2 với hơn 3 tỷ đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội cũng quyết định đưa CP của SMEs vào dạng kiểm soát từ ngày 7-12-2011. UBCKNN đã đề nghị 2 Sở xem xét rút tư cách thành viên của SMEs. Đồng thời Sở GDCK Hà Nội xem xét hủy niêm yết cổ phiếu của SMEs.

Băn khoăn việc giám sát, xử lý

Về mặt cảm tính, sẽ có người cho rằng việc các lãnh đạo cao nhất của SMEs bị bắt giữ là “hơi chậm”, khi những dấu hiệu bất thường đã có từ rất lâu và động thái của các cơ quan quản lý cũng chỉ diễn ra khi mọi sự đã rồi. Có thể dễ dàng thấy rằng những công ty kiểm toán cho SMEs đều là những công ty ở dạng “thường thường bậc trung”, trong khi hoạt động của CTCK rất phức tạp.

Nhưng như vậy không có nghĩa các công ty kiểm toán bó tay, bởi lẽ chưa cần đi sâu vào chi tiết những khoản mục vừa nêu, mà chỉ cần thực hiện một số so sánh đã có thể thấy được tính chất bất thường của nó. Nhưng dường như các công ty kiểm toán đã không thực hiện mổ xẻ đến cùng các con số này.

Việc xác định những sai phạm, làm trái của SMEs đối với cơ quan điều tra rõ ràng không đơn giản và phải mất nhiều thời gian. Nhưng mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng các chủ nợ hoặc những người bị hại ban đầu không muốn làm “to chuyện” mà chỉ muốn lấy lại được tiền.

Một NĐT mở tài khoản tại đây cho biết anh bị CTCK lạm dụng hơn 100 triệu đồng trong tài khoản. Dù số tiền không lớn nhưng phải sau nhiều lần đi lại, điện thoại... với lãnh đạo của SMEs, khoảng hơn nửa năm mới được CTCK trả lại tiền. Cần lưu ý là những NĐT chưa thể đòi tiền tại CTCK cũng được xem như chủ nợ của công ty, mà khi nhận thấy con nợ không có khả năng thanh toán dù chỉ là 1.000 đồng, vẫn có thể nộp đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản.

Với các chủ nợ là các tổ chức lại càng không muốn lộ mặt, bởi lẽ mạnh tay chưa chắc đã đòi được tiền mà còn bị “mang tiếng” vì đã dính vào những vụ việc không lấy gì làm hay ho. 

Thông qua những số liệu tài chính của SMEs, có thể dễ dàng thấy được sự “tự tung, tự tác” của các lãnh đạo công ty, trong khi không có một sự giám sát nào đủ mạnh. Ở đây, không thể đòi hỏi riêng công ty kiểm toán hay cơ quan quản lý, cơ quan an ninh có thể “nắm thóp” được những hoạt động bất thường tại những công ty như SMEs, mà cần phải có sự kết hợp hiệu quả.

Giả sử SMEs có hệ thống giám sát nội bộ, hay một ban kiểm soát làm việc hiệu quả, chắc chắn những kết cục tồi tệ như vậy sẽ không xảy ra. Nhưng đó chỉ là chuyện “giá như” và trong thực tế khả năng những NĐT có thể lấy lại tiền từ SMEs vẫn đang ở trạng thái bế tắc.

Những cổ đông bên ngoài đã góp vốn vào SMEs để kinh doanh cuối cùng lại bị lãnh đạo làm cho thất thoát cũng chỉ biết tự trách mình đã sai lầm.

 


 

Theo SGĐTTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích