Kiềm chế lạm phát: Mức nào thì được?

Thứ ba, 04/10/2011, 00:00
Đều thống nhất cao là phải hạ ngay mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm sau xuống một con số và giảm nữa, giảm nhanh, càng thấp càng tốt ở những năm tiếp theo, song con số nào, lộ trình nào khả thi thì vẫn là vấn đề tranh cãi chưa dễ đến hồi kết.


Với mục tiêu ưu tiên kềm chế lạm phát, ở cả hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2012 với mức tăng GDP 6,5 và 6%, Chính phủ đều đặt chỉ tiêu CPI tăng dưới 10% (Ảnh minh họa).

Tại thời điểm cuối tháng 9, trong khi nhận định của khá nhiều chuyên gia kinh tế gặp nhau ở con số khoảng 18% cho CPI năm 2011 thì TS. Phạm Đỗ Chí, nguyên là chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quả quyết, “lạc quan nhất là 24%”.

Ông Chí nói rằng, mấy năm nay dự báo về lạm phát theo cách tính của riêng ông đều “trúng phoóc”. Năm ngoái khi ông dự  báo lạm phát ở mức hai con số thì bị nhìn như “kẻ ngớ ngẩn”, nhưng rốt cuộc thì đúng như vậy.

Có lẽ, không ai mong dự báo của vị chuyên gia này thành sự thật, song thực tế không ít lần CPI đã vượt xa tất cả mọi dự báo thì vẫn đang là nỗi ám ảnh, không riêng của nhà dự báo.

Thảo luận về các báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến an sinh xã hội cần phải đánh giá sâu sắc là lạm phát tăng cao và liên tục tăng, khiến đời sống nhân dân khó khăn.

“Mức tăng CPI từ 2007 - 2010 cộng lại là 60,7%, gây áp lực rất lớn lên cuộc sống của dân, không thể không đánh giá trong các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra”, bà Mai đề nghị.

Chia sẻ quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, cho dù năm nay CPI ở mức nào thì năm tới “sống chết” cũng phải kéo về mức một con số.

Với mục tiêu ưu tiên kềm chế lạm phát, ở cả hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2012 với mức tăng GDP 6,5 và 6%, Chính phủ đều đặt chỉ tiêu CPI tăng dưới 10%. Còn ở kế hoạch 5 năm đến năm 2015 thì con số này khoảng 7% (với kịch bản tăng trưởng 6,5%) và khoảng 5% với mức tăng trưởng GDP 7%.

Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là chỉ số giá tiêu dùng bình quân giai đoạn này dưới 9%/năm, năm 2011 là 17 - 18%, năm 2012 tăng ở mức một con số, năm 2013 - 2014 dưới 6% và năm 2015 dưới 5% làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong kế hoạch 5 năm tiếp theo dưới 5%/năm. 

Theo Ủy ban Kinh tế, để có thể kiểm soát CPI năm sau ở mức một con số, Chính phủ phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Năm 2012, giá thế giới được dự báo sẽ không có biến động mạnh. Vì vậy, tỷ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách tỷ giá nếu được duy trì ổn định đóng góp ổn định chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng. Ngoài ra kiên trì các giải pháp kiểm soát tổng cung, tổng cầu hợp lý trên cơ sở không tăng thêm quy mô đầu tư từ ngân sách nhà nước và tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phân tích.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, với mức tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng năm 2011, nếu đặt mục tiêu CPI năm 2012 dưới 10% là không khả thi.

Nhìn vào sự cách biệt của các con số giữa đề xuất của Chính phủ và đề nghị của cơ quan thẩm tra, bà Mai đề nghị cần phải giải trình cụ thể về căn cứ để đưa ra các con số này.

“Tôi thấy chỉ tiêu CPI chả khả thi, năm nào cũng quyết tăng thấp dưới mức tăng trưởng kinh tế nhưng chả năm nào đạt được cả. Phải giải trình căn cứ để Quốc hội có cơ sở để quyết định, không thể  cảm tính được”, bà Mai đề nghị.

Cho rằng nếu bình quân 9% như đề nghị của Ủy ban Kinh tế ở kế hoạch 5 năm thì vẫn rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển sốt ruột, “phải xuống, xuống nữa, dứt khoát 5% vào 2015 và thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế”.

Không khó lý giải về băn khoăn của ông Hiển, bởi tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây đúng một năm, khi lạm phát của cả năm 2011 mới chỉ được dự báo ở mức 7% thì chính ông Hiển đã đặt câu hỏi, "tăng trưởng để làm gì khi CPI tăng đến 7%?".

Ở nhiều nước lạm phát đến 3% đã phải suy nghĩ rồi, trong khi năm 2010 CPI của Việt Nam vẫn tăng đến 7% và chỉ tiêu dự kiến cho năm sau cũng vẫn 7%. Nhiều năm liền CPI luôn luôn cao thì không thể nói là không “có vấn đề”, ông Hiển phát biểu tại cuộc họp đó.

Bên cạnh con số cụ thể, cách tính CPI cũng là vấn đề được đặt ra. Khi bàn về lạm phát, không ít ý kiến thường tách lạm phát chung và lạm phát lõi (hay lạm phát cơ bản) để so sánh với các nước khác.

Tại báo cáo thẩm tra kế hoạch 5 năm, Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị việc cho phép Chính phủ tính toán và công bố chỉ số lạm phát theo thông lệ quốc tế, không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI.

Tuy nhiên, đề nghị này đã khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh băn khoăn. Vì, “hiện nay giá lương thực tăng cao đã suốt ngày khiến dân bức xúc rồi, nếu bỏ giá lương thực thực phẩm mà còn bỏ luôn cả giá xăng dầu đi thì dân cho là chúng ta cố tình công bố số CPI thấp trong khi thực tế lạm phát cao thì không tiện”.

Theo Bộ trưởng Vinh, lạm phát cơ bản là số dùng cho Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ, cái này giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước vẫn làm, công bố nội bộ để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét.

“Con số này chúng tôi lúc nào cũng có, nếu Quốc hội và Chính phủ quyết định thì chúng tôi chấp hành, không có ý kiến gì”, ông Vinh nói.

Tất nhiên, “chốt” chỉ tiêu lạm phát nào vẫn thuộc quyền Quốc hội. Song, vẫn có lý do để cả các đại biểu và cử tri chưa vơi lo lắng, vì như chính ý kiến của một vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu, rằng: “Quốc hội mình rất dễ, cứ trình là điều chỉnh”. 

Và cho dù có điều chỉnh đến mấy lần mà thực hiện không đạt, thì cũng chưa thấy báo cáo nào đề cập là trách nhiệm thuộc về ai.

(Theo Vneconomy)

Lê Trung

Các tin cũ hơn