16 tổng công ty, doanh nghiệp hàng đầu TPHCM cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh

Thứ năm, 29/09/2011, 00:00
Chiều 28-9, Thường trực UBND TP do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì đã làm việc với 16 tổng công ty (TCT), doanh nghiệp (DN) hàng đầu của TPHCM về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, định hướng hoạt động trong 3 tháng cuối năm.


Chế biến chả giò tại Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Báo cáo tại cuộc họp, đến thời điểm này tất cả các DN đều đảm bảo đúng kế hoạch về tăng trưởng doanh thu. Theo ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều DN trực thuộc và DN thành viên đang tiến triển rất tốt. Một số DN chế biến thực phẩm xuất khẩu đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết năm 2012; Công ty Vissan dự kiến tăng doanh thu từ 3.600 lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2011. Cũng theo ông Lê Tùng, 9 tháng đầu năm, Satra đã thực hiện được hơn 80% kế hoạch, với tổng doanh thu đạt 30.400 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực, tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều DN. Biểu hiện rõ nhất ở tốc độ tăng trưởng doanh thu tại nhiều đơn vị đang đi ngược với lợi nhuận mang lại. Nói cách khác, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Tại TCT Bến Thành, doanh thu tăng tới 33% so cùng kỳ, nhưng lợi nhuận mới chỉ đạt 57% kế hoạch. Tương tự, TCT Văn hóa Sài Gòn có 17 DN thành viên nhưng có tới 4 đơn vị làm ăn thua lỗ. Hiện lãnh đạo TCT này đang xin thoái vốn để bảo toàn vốn tại các DN làm ăn kém hiệu quả, đồng thời xem xét lại nội lực của từng đơn vị, từ đó cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá lại khả năng tài chính doanh nghiệp

Về việc thực hiện Nghị quyết 11, tại 16 TCT, DN cũng rất cẩn trọng trong việc xem xét các dự án đầu tư song song với việc đánh giá lại tính khả thi của các dự án đã và đang được triển khai, cơ cấu lại nguồn vốn hợp lý theo hướng dồn sức cho sản xuất, kinh doanh. Do lãi suất tăng cao nên một số công ty mẹ cũng đã mạnh dạn rút vốn từ các dự án đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các DN thành viên với mức lãi suất chỉ từ 11%-14%. Thế nhưng, cách làm này gặp không ít khó khăn vì Bộ Tài chính cho rằng, các TCT không phải là ngân hàng nên không có chức năng cho vay…

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đánh giá cao nỗ lực của các DN trong việc dám nghĩ, dám làm cũng như mạnh dạn triển khai các định chế tài chính mới (như công ty mẹ hỗ trợ vốn cho công ty con) để đảm bảo hoạt động sản xuất. 16 TCT và DN hiện đang nắm giữ hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng, đồng thời có đóng góp lớn vào kinh tế TP, do vậy với những khó khăn, vướng mắc nằm trong thẩm quyền, TP sẽ ưu tiên giải quyết ngay, những vấn đề khác sẽ được tập hợp để kiến nghị lên cấp trên tiếp tục xem xét, tháo gỡ.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu các DN phải tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá đúng bản chất hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chúng ta có thể tạm hài lòng với những gì đạt được trong tình hình hiện nay nhưng về đường hướng phát triển trong thời gian tới thì không thể dừng lại ở đó được. Chủ tịch cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng đánh giá lại khả năng tài chính của các DN từ năm 2006-2010, định hướng 2011-2015. Bên cạnh đó, TP không chỉ tái cấu trúc hoạt động của DN nhà nước mà ngay cả các thành phần kinh tế khác để phân loại DN phù hợp. Kinh tế khó khăn cũng đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm sâu sắc, rằng yếu tố con người vẫn là trung tâm của mọi thành bại. Do vậy, song song với tái cơ cấu hoạt động, các DN cũng cần lưu ý đặc biệt đến việc đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn nhân lực.

(Theo SGGP)

Lê Trung

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích