(Ảnh minh họa)
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết trong tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 4,18 tỉ USD, tương đương 75% kế hoạch cả năm, tăng khoảng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Phú, mức tăng này do EU dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với VN vào đầu tháng 4-2011, một phần do VN giữ được uy tín trên thị trường và sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước láng giềng vốn bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn. Để đối phó với xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang ngày càng gia tăng tại EU cũng như các thị trường khác, ông Phú khuyến nghị ngành da giày nên từng bước đa dạng hóa thị trường (hiện nay 50% lượng giày xuất khẩu của VN là vào EU), giữ mối quan hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, thiết lập một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy theo dõi số lượng cũng như giá trị xuất khẩu để làm cơ sở cho các nhà điều tra nước ngoài khi cần. Ngoài ra, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực vào những đơn hàng có giá trị thay vì ồ ạt tăng trưởng, dần dần tiến tới cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh bằng giá. Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Tòng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da giày VN, cho biết để thực hiện kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp da giày phải tập trung phát triển đội ngũ marketing cũng như thiết kế sản phẩm chuyên nghiệp. “Đặc biệt, tập trung xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ đảm bảo cho nguồn nguyên phụ liệu” - bà Tòng nhấn mạnh. (Theo Tuổi Trẻ)
Lê Trung