Theo văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ năm 2011 từ 4.000 tỷ đồng lên 5.050 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua ngày 19/4/2011.
Được biết, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2011, VPBank sẽ sử dụng 1.050 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Trong đó: 420 tỷ đồng lợi nhuận năm 2010 chưa phân phối, 616 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 14 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung,
Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 10,5% và cổ phiếu thưởng là 15,75%, tổng tỷ lệ cổ phần phát hành thêm là 26,25%.
Triển khai việc tăng vốn điều lệ, VPBank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục pháp lý, chế độ thông tin, báo cáo liên quan đến việc tăng vốn điều lệ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn quỹ thặng dư vốn cổ phần đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng; Có văn bản kèm tài liệu chứng minh hoàn tất việc tăng vốn điều lệ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước (thông qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội) sửa đổi Giấy phép với mức vốn điều lệ mới.
Cũng tại văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội hướng dẫn, giám sát VPBank thực hiện các yêu cầu trên; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sửa đổi nội dung liên quan đến vốn điều lệ ghi tại Giấy phép của VPBank, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xem xét, quyết định.
Văn bản chấp thuận này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
(Theo Vneconomy)
Lê Trung