Nhức nhối chuyện kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước

Thứ tư, 31/08/2011, 00:00
Hôm qua (30-8), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả báo cáo kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách năm 2009. Đáng chú ý, kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính – ngân hàng cho thấy còn rất nhiều bất cập trong hoạt động.

Công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam làm việc ở công trường. 

Cho nợ... thoải mái

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của 27 DNNN (24 tập đoàn, tổng công ty và 3 công ty nhà nước độc lập) cho thấy, 25/27 DN sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần quan trọng vào phát triển và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 48.461 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập bình quân đạt 15,98%, trên vốn đầu tư chủ sở hữu bình quân đạt 25,13%.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và đặc thù ngành nghề kinh doanh nên một số đơn vị kinh doanh còn thua lỗ (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng lỗ trên 20 tỷ đồng và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam 1.026 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo của KTNN cũng cho thấy, một trong những điểm tồn tại rất lớn trong hoạt động của các DN là quản lý nợ phải thu và quản lý các khoản đầu tư tài chính. Tổng nợ phải thu của 27 DN đến 31-12-2009 là 88.000 tỷ đồng, chiếm hơn 14% trên tổng tài sản và gần 27% trên vốn chủ sở hữu.

Theo đánh giá của KTNN, nhiều đơn vị chưa rà soát phân loại nợ để có biện pháp thu hồi kịp thời, dẫn đến nhiều khoản nợ khó đòi, tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm và trích lập dự phòng theo quy định. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy những tồn tại trong công tác quản lý nợ phải thu, đặc biệt là các khoản phải thu nội bộ, tạm ứng tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng chưa có nhiều chuyển biến.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán suy thoái nên hoạt động đầu tư chứng khoán của nhiều DN năm 2009 đều bị lỗ. Cụ thể, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư chứng khoán ngắn hạn 21,4 tỷ đồng nhưng năm 2009 phải trích lập dự phòng 10,7 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đầu tư chứng khoán bên ngoài 731 tỷ đồng, năm 2009 lợi nhuận thu được 45,5 tỷ nhưng phải trích dự phòng giảm giá chứng khoán 94,2 tỷ đồng…

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN, nhìn nhận, đầu tư chứng khoán rất nhạy cảm, khó kiểm soát, khi biến động dễ thua thiệt. “Khi kiểm toán chứng khoán, chúng tôi đưa vào 2 đơn vị lỗ vì sau 2010 thì hai 2 DN này không có khả năng dự phòng. Trong quá trình kiểm toán chúng tôi cũng có kiến nghị, nếu sai phạm thì xử lý, nếu không thì cơ cấu lại”, ông Khái nói.

"Điểm nóng" Agribank

Giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được phản ánh cho thấy, với các ngân hàng, do tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên chưa đảm bảo an toàn trong hoạt động và khả năng chi trả, hiệu quả kinh doanh thấp, chất lượng tín dụng giảm so với năm 2008. Ngoài ra, trong hoạt động còn chưa tuân thủ một số quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý trong đó là những tồn tại xung quanh hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu năm 2009 của Agribank chỉ đạt 4,69%-6,21%, thấp hơn năm 2007, 2008 (5,45% -7,9%) và thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (8%). Đơn vị thuộc Agribank là Công ty Cho thuê tài chính II tính tỷ lệ an toàn vốn không chính xác, báo cáo sai tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2009 Agribank lợi nhuận sau thuế đạt 744 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn là 4,8%, đạt loại C về xếp loại hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Công ty Cho thuê tài chính II năm 2009 thua lỗ 3.000 tỷ đồng (gấp 8,5 lần vốn điều lệ), tiềm ẩn lỗ luỹ kế do khoản đầu tư tài sản cho thuê 4.595 tỷ đồng bị quá hạn và phải gia hạn nhiều lần.

Trong kiến nghị của mình, KTNN đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thẩm định đề án tái cấu trúc Công ty Cho thuê Tài chính II do Agribank xây dựng và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để tháo gỡ, giải quyết các vấn đề tài chính do hậu quả từ các sai phạm nghiêm trọng tại Công ty Cho thuê Tài chính II. Đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định đối với sai phạm tại Agribank; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Agribank thực hiện nghiêm túc các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và giám sát các công ty có vốn góp tham gia của Agribank và chỉ đạo Agribank xây dựng phương án xử lý dứt điểm khoản tiền 21,6 tỷ đồng của Nhà thầu cung cấp dự án Tin học VANOCO.

(Theo SGGP)

Lê Trung

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn