Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang
Trả lời báo giới về những mục tiêu và kế hoạch trong nhiệm kỳ sắp tới của mình, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, với quyết tâm của mình, ông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành tài nguyên triển khai nhiều biện pháp mạnh để hạn chế tối đa những tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên...
* Thưa ông, người tiền nhiệm đã nỗ lực rất nhiều trong việc hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực đất đai nhưng dường như kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy, trong nhiệm kỳ sắp tới, ông có tiếp tục ưu tiên giải quyết vấn đề này?
- Đối với ngành chúng tôi quản lý thì cả 7 lĩnh vực đều “nóng”, nhưng trong đó chúng tôi xem đất đai là lĩnh vực nóng và nhạy cảm nhất nên đặt nó lên vị trí số một và sẽ ưu tiên giải quyết trước.
Hiện nay, tình trạng khiếu kiện về đất đai, sử dụng lãng phí, đầu cơ, tham nhũng trong đất đai vẫn còn nhiều khiến dư luận bức xúc. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã ban hành chỉ thị về kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất.
Chính phủ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm để xử lý theo quy định.
Hiện Bộ chúng tôi cũng đã triển khai các đoàn thanh tra một số tỉnh, thành và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tự kiểm tra, xử lý và báo cáo về Bộ để báo cáo Thủ tướng.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các địa phương. Về lâu dài cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí nhằm xử lý tình trạng đầu cơ, ôm đất rồi bỏ hoang. Chúng tôi sẽ kiên quyết hạn chế tối đa những tiêu cực này.
* Nhưng theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho các tiêu cực trong lĩnh vực đất đai vẫn đang diễn ra phổ biến?
- Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 60% tổng số các vụ khiếu nại trong cả nước. Nội dung chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân…
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do một số địa phương chưa làm tốt việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Cùng với đó là chính sách về đất đai thường xuyên thay đổi, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn phức tạp, thậm chí còn gây phiền hà cho người dân.
Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ việc quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai còn chưa thống nhất, nhiều cơ quan nhận đơn, chuyển đơn và giải quyết mà không có điểm dừng…
* Nhưng dư luận cho rằng, nguyên nhân chính gây nên những tiêu cực trong đất đai hiện nay được bắt nguồn từ chính chất lượng cán bộ và cơ chế xin - cho?
- Thực tế thì nó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đội ngũ cán bộ. Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu cán bộ các sở, ngành, các địa phương phải chấn chỉnh tác phong, tư cách cán bộ. Quan điểm của Bộ là trường hợp nào vi phạm sẽ cương quyết xử lý.
Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể với mục xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đây là một vấn đề lớn, có tính chiến lược, liên quan tới nhiều bên và nhiều yếu tố, cần có sự ủng hộ, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương nên cần phải có thời gian nhất định để thực hiện các nội dung đề ra.
Ngoài ra thì các giải pháp như tăng cường tạo quỹ đất sạch của Nhà nước để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Một giải pháp nữa mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải thực hiện là tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí. Đây cũng là giải pháp cơ bản để xóa bỏ tình trạng đầu cơ, lãng phí đất đai.
* Là “tư lệnh” của một ngành với nhiều lĩnh vực nhạy cảm như vậy, ông có tự tin với chiếc “ghế nóng” của mình?
- Ngành tài nguyên và môi trường là một ngành được xã hội đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Các lĩnh vực như đất đai, môi trường có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp và trong thực tế đã có nhiều bức xúc ở nhiều nơi, thể hiện trên nhiều diễn đàn Quốc hội và sự quan tâm đặc biệt của các cử tri, vì vậy, có thể nói tôi ngồi trên “ghế nóng” là không sai.
Tôi tự tin nhận trọng trách người đứng đầu một Bộ có nhiều lĩnh vực “nóng” bởi lý do là trong thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung xây dựng được hành lang pháp lý khá đồng bộ. Trên tất cả các lĩnh vực, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện thêm một bước, tạo nền tảng vững chắc, hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường trong xã hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm đẩy mạnh, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc ở địa phương. Nhiều vụ việc lớn, nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết dứt điểm.
Một lý do nữa là đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm cả các lãnh đạo Bộ, Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị sự nghiệp khác đang từng bước trưởng thành.
* Vậy ông có quan tâm đến những khiếu kiện và phản hồi từ người dân?
- Đất đai đang là vấn đề nóng, nhạy cảm và phức tạp, có liên quan đến mọi người dân và doanh nghiệp nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Tuy vậy, công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.
Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được những tồn tại vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất hiện nay, đồng thời phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chúng tôi sẽ coi nhân dân là “tai mắt” trong quá trình thanh tra, kiểm tra để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai cũng như môi trường được hiệu quả hơn.
(Theo Vneconomy)
Lê Trung