Học viên Nam Phi được đưa sang VN để đào tạo tại xưởng chế biến gỗ của Công ty Trường Thành
Hàng loạt hoạt động thăm dò thị trường, liên kết đào tạo nhân lực bản địa, mở văn phòng đại diện, xây dựng nhà máy sản xuất... được các DN tiến hành.
"Với những chính sách ưu đãi từ phía Nam Phi cộng với việc chủ động đầu tư, tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, sản phẩm gỗ của TFF sẽ có đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc trên thị trường châu Phi và thế giới" Ông Võ Trường Thành (Tổng giám đốc TFF) |
Sẵn sàng cho thị trường mới
Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TFF) vừa kết thúc khóa đào tạo đầu tiên cho 21 học viên Nam Phi tại Trung tâm Đào tạo chế biến gỗ ở Đắk Lắk. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ liên kết hợp tác đầu tư của TFF với Nam Phi trong việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ, trồng rừng nguyên liệu, mở showroom trưng bày sản phẩm gỗ tại quốc gia châu Phi này. Ông Võ Trường Thành, tổng giám đốc TFF, cho biết: “Chương trình đào tạo dự kiến kéo dài ba tháng nhưng chúng tôi đã dành hẳn năm tháng cho công tác đào tạo khóa học đầu tiên này. Họ chính là lực lượng lao động nòng cốt cho công tác vận hành nhà máy chế biến gỗ của TFF tại Nam Phi”. Các học viên không chỉ học tập về kỹ năng chế biến gỗ tại VN mà còn chia sẻ lẫn nhau về ngôn ngữ, văn hóa. Đây là bước chuẩn bị rất cần thiết ban đầu, bởi khi nhà máy của TFF tại Nam Phi hoạt động sẽ thu hút 300-1.000 lao động và lao động VN chỉ chiếm 10%. Theo ông Thành, sau gần 10 năm khảo sát, thăm dò thị trường Nam Phi, công ty đi đến quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, tổ chức trồng 10.000ha rừng nguyên liệu có chứng nhận FSC (chứng nhận gỗ hợp pháp) và mở showroom bày bán sản phẩm gỗ tại đây. Đến thời điểm này, các công đoạn tiến hành đầu tư đều thuận lợi. Dự kiến đến cuối năm 2013, khi lực lượng lao động này hoàn thiện các kỹ năng cũng là lúc nhà máy chế biến gỗ đi vào hoạt động. Đa dạng lĩnh vực đầu tư
Xuất sang châu Phi tăng 209% Theo Tổng cục Hải quan VN, trong bảy tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các thị trường chính (khoảng 10 nước) của châu Phi đạt 2,1 tỉ USD, tăng 209% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn bao gồm: lúa gạo, thủy sản, may mặc, đồ gỗ... |
Một đơn vị khác đang xúc tiến hợp tác đầu tư sang châu Phi là Tập đoàn FPT. Mới đây FPT ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty 21st Century Technologies (Nigeria) hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của mình là viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. Trong đó, FPT dự kiến tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông, sản phẩm công nghệ...
Để chuẩn bị những hoạt động đầu tư này, FPT đã tổ chức các hoạt động liên kết đào tạo cho học viên từ châu Phi. Trước đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) được cấp phép đầu tư mạng di động tại Mozambique. Hiện đơn vị đã triển khai mở cơ quan đại diện và đưa nhân sự sang xây dựng mạng lưới. Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), đến nay đã có tổng cộng 13 dự án đầu tư tại bảy quốc gia và vùng lãnh thổ châu Phi, tổng vốn đăng ký đạt 777,4 triệu USD vào nhiều lĩnh vực đầu tư bao gồm: thăm dò, khai thác dầu khí, mạng viễn thông, chế biến gỗ và trồng rừng, đầu tư hợp tác chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước... Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có ít nhất ba chương trình xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường và ký kết hợp tác với các quốc gia lớn của châu Phi. Bên cạnh những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác về xuất khẩu gạo, sản phẩm may mặc, da giày, thiết bị điện tử..., các hoạt động đầu tư cũng được xúc tiến mạnh mẽ tại Nam Phi, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria... để tận dụng những cơ hội và ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư ở các quốc gia này. Một trong những yếu tố để TFF quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ và trồng rừng tại Nam Phi là những ưu đãi của chính phủ nước sở tại cho đối tác. Ông Thành cho biết: “Chính phủ Nam Phi tạo điều kiện cho chúng tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi trên tổng 50% vốn đầu tư. Những chi phí trang bị máy móc sản xuất cũng được chính phủ hỗ trợ 30%. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo nhân công bản địa phục vụ nhà máy đều được trợ giúp”. Ông Lý Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - nhận định nếu DN đầu tư vào thị trường châu Phi sẽ tận dụng được nhiều lợi thế về nhân công, thuế suất ưu đãi của nước sở tại cũng như khi sản phẩm đó xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... “Hầu hết các quốc gia châu Phi đều có những chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư ở mọi lĩnh vực. Những ưu đãi về vay vốn đầu tư, giảm thuế, đơn giản thủ tục đầu tư, cam kết không quốc hữu hóa tài sản... được các quốc gia áp dụng phổ biến” - ông Hùng cho hay. (Theo Tuổi Trẻ)
Lê Trung