Theo Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan thì hiện nay, các đối tượng buôn lậu rất manh động, liều lĩnh sẵn sàng bằng mọi giá chống lại tổ công tác để tháo chạy hoặc cướp lại hàng hóa. Phần lớn các đối tượng buôn lậu được trang bị những thiết bị thông tin hiện đại nhằm theo dõi các hoạt động của hải quan và điều phối hoạt động, do vậy việc chống buôn lậu luôn khó khăn. Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng đã bắt giữ 70 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, giá trị ước tính hơn 7 tỉ đồng, trong đó nổi bật là vụ bắt giữ 410kg vảy tê tê và hơn 200 hộp dầu nhờn.
Một vụ gian lận thương mại bị bắt giữ |
Đồng thời, lợi dụng kẽ hở của chính sách hoàn thuế GTGT đối với một số mặt hàng, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng phương thức quay vòng hàng hóa gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. Cùng đó lợi dụng việc ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, bán hàng miễn thuế và phương thức tạm nhập - tái xuất, chuyển cửa khẩu để nhập khẩu, đưa nhiều mặt hàng trong danh mục cấm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người vào nội địa như: Ma túy, rượu, bia, thuốc lá, phế liệu, đồ điện tử đã qua sử dụng... Chủ yếu vẫn là gian lận về số lượng, chủng loại, chính sách mặt hàng qua giá, sự ưu đãi trong việc phân luồng hàng hóa (luồng xanh), miễn kiểm tra thực tế, khai sai về trị giá, thuế suất, tên hàng nhằm trốn thuế. (Theo Lao Động)
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đơn vị này đã bắt giữ trên 100 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Nhiều vụ có giá trị hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng có thuế nhập khẩu cao như: Linh kiện và hàng điện tử, giày dép, quần áo, trứng gia cầm, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi các phương thức vận chuyển, sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu và rất liều lĩnh chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc đi đường vòng tránh sự kiểm soát của hải quan và biên phòng theo đường mòn Cốc Nam, Tân Thanh, Chi Ma, Hữu Nghị. Các mặt hàng xuất lậu là thớt nghiến và động vật hoang dã.
Mặt khác, hiện nay lực lượng chống buôn lậu mỏng trong khi địa bàn trải rộng, địa hình khó khăn phức tạp, khiến công tác chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn. Thủ đoạn chủ yếu của các đầu nậu hiện nay vẫn là tập kết hàng hóa sát biên giới sau đó chia nhỏ, thuê cửu vạn vận chuyển dần vào nội địa theo đường mòn.
Trước tình hình buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi và phức tạp, liên bộ: Tài chính, KHĐT, Công Thương phối hợp xây dựng “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn 2011-2015” nhằm đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời trình Chính phủ ban hành quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả.
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 79.700 vụ và xử lý 43.694 vụ vi phạm trong đó có 7.365 vụ buôn lậu, 5.700 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả... với tổng số thu trên 140 tỉ đồng. Trước tình hình diễn biến buôn lậu phức tạp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị, xác lập và tổ chức đấu tranh chuyên án, điều tra, xác minh các hiện tượng nổi cộm như vi phạm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển, xuất lậu khoáng sản, buôn lậu vải, quần áo, thuốc lá.
Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 554 cuộc, phát hiện nhiều vi phạm với tổng số tiền phải truy thu nộp ngân sách 368,31 tỉ đồng.
Lê Trung