Lao động tăng ảo

Thứ ba, 27/09/2011, 00:00
Đang có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động tăng “ảo” tại nhiều địa phương. Qua cuộc khảo sát nhanh được trung tâm Phân tích và dự báo thuộc viện Khoa học xã hội thực hiện tháng 8 vừa qua cho thấy thực tế này.


Khu vực sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Khó khăn từ khu vực thâm dụng lao động

Khu vực sử dụng nhiều lao động nhất là ngành dệt may hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo hiệp hội Dệt may, các đơn hàng xuất khẩu trong mùa xuân – hè (từ tháng 11.2011 – 4.2012) đang giảm sút nghiêm trọng, từ 50 – 60%. Nhiều đơn hàng gia công giá cũng giảm đáng kể, từ 5 – 6%. Hiện tại tổng chi phí đầu vào của ngành này tăng khoảng 20% trong khi giá đơn hàng lại giảm từ 5 – 10%. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sản xuất về các điểm vệ tinh có chi phí rẻ.

Nhiều ngành khác cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn không kém. Doanh nghiệp ngành gỗ đang có khoảng 30 – 35% tạm ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang được dự báo là không thể cầm cự được đến năm 2012. Các doanh nghiệp làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ được ghi nhận là sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Tại khu vực phía Nam, doanh thu của những doanh nghiệp này giảm tới 50% do chi phí đầu vào tăng 50% mà đầu ra chỉ tăng được 20%. Tại khu vực phía Bắc do lượng hàng tồn kho cao nên nhiều xưởng nghề dự kiến nghỉ khoảng ba tháng đầu năm để tránh hàng tồn kho.

Các doanh nghiệp xây dựng cũng đang “khóc dở mếu dở”. Hiện tại đa số các công trình cao ốc, chung cư đã dừng thi công do khó khăn về vốn và giá nguyên liệu tăng quá cao. Giá nguyên liệu ngành xây dựng đã tăng 25%, trượt giá nguyên liệu từ 20 – 25%. Dự trù trượt giá cho cả công trình xây dựng khoảng 20%. Theo dự báo từ nay tới cuối năm những doanh nghiệp này còn khó khăn hơn. Sẽ có chuyện nhiều nhà đầu tư huỷ hợp đồng vì giá cả cao, phá vỡ kế hoạch của các công ty.

Một ngành khó khăn kéo theo nhiều ngành vệ tinh khác cũng suy giảm. Ví dụ, ngành xây dựng khó khăn, các doanh nghiệp cung cấp ống nước trong xây dựng cũng suy giảm khoảng 50% so với năm trước. Lượng hàng tồn kho cao nên các doanh nghiệp phải vay nóng với lãi suất 6%/tháng để trả lương công nhân và cố gắng cầm cự.

Tuyển dụng vẫn tăng?

Trong khi đó, cục Việc làm thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố nhu cầu lao động tăng trong bảy tháng đầu năm nhưng tổng cục Thống kê lại công bố có khoảng 30% doanh nghiệp phá sản.

Thực tế từ cuộc khảo sát nhanh cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp đang tác động trực tiếp tới việc làm của người lao động. Với những doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM lao động có công việc ổn định tới khoảng hết tháng 10. Những công ty nhỏ hiện tại lao động đi làm đủ giờ hành chính, không có tăng ca, có một số công ty lao động được nghỉ việc vài ngày trong tuần và được hưởng 50% lương cơ bản. Tại Hải Dương, các công ty hầu như chỉ giữ lại những lao động chính, còn lại lao động tự nghỉ do ít việc, thu nhập thấp. Kết quả khảo sát cho thấy lượng việc, thu nhập trong khối doanh nghiệp này giảm 60 – 70%, lượng lao động giảm 50 – 60%.

Lao động giảm mạnh mẽ nhất tại khu vực xây dựng. Do ngân sách cắt giảm và khó khăn về tín dụng cho khu vực bất động sản nên lượng việc giảm hẳn với công nhân xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc luân phiên để giữ lại lao động. Với những lao động phổ thông làm theo từng công trình cao ốc, chung cư hiện đã nghỉ không lương để chờ việc.

Theo ông Nguyễn Thắng, giám đốc trung tâm Phân tích và dự báo, thực tế khu vực phía Nam vốn luôn thiếu hụt lao động hiện chỉ còn thiếu hụt “ảo”. Các doanh nghiệp hiện chỉ tuyển dụng để bù lượng luân chuyển giữa các doanh nghiệp và các khu vực. Do giá cả tiền công tăng cao tại các khu vực trung tâm nên những ngành thâm dụng lao động có xu hướng chuyển sản xuất về các khu vực vệ tinh để giảm chi phí. Do vậy, tuyển dụng lao động mới chỉ để tổ chức lại sản xuất ở những vùng này.

“Sự ổn định việc làm và thu nhập của người lao động chỉ là tạm thời, thậm chí đang có những dấu hiệu chững sớm. Khó khăn của các ngành thâm dụng lao động cho thấy độ bất ổn về việc làm và thu nhập”, ông Thắng kết luận.

(Theo SGTT)

Lê Trung

Các tin cũ hơn