Vì sao DN bi quan hơn?

Thứ năm, 16/08/2012, 11:19
Bất chấp các chỉ số vĩ mô đều ở trạng thái tốt hơn hoặc đang cải thiện đáng kể, quan ngại về rủi ro chính sách dường như đang làm suy yếu lòng tin thị trường, mà cảm nhận bi quan của DN về triển vọng kinh doanh thể hiện trong nhiều cuộc điều tra thời gian gần đây là hệ quả. 

>> Xăng tăng giá bồi thêm cú đòn đau vào doanh nghiệp 
>> 
Trên 30 nghìn doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động
>> 
Ngân hàng còn xa doanh nghiệp
>> 
“Đừng giật mình khi nhiều doanh nghiệp phá sản”

 

Không khí ảm đạm bao trùm

Đầu tuần này, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố kết quả cuộc khảo sát cảm nhận doanh nghiệp (DN) về triển vọng kinh tế năm 2013. “Thời điểm phục hồi của nền kinh tế Việt Nam chưa được xác định.

Phần lớn các DN tỏ ra khá bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế và cho rằng trong năm 2013, nền kinh tế chưa thể phục hồi”, Vietnam Report rút ra kết luận. Gần một nửa số DN được hỏi cho rằng, trong trường hợp tốt đẹp, phục hồi kinh tế chỉ có thể bắt đầu từ nửa cuối năm 2013.

Còn với năm nay, cảm nhận bi quan về 6 tháng cuối năm 2012 là phổ biến. “Trước mắt, các DN đều chấp nhận sự thật rằng kết quả kinh doanh của họ sẽ khá xấu đi trong 6 tháng cuối năm 2012.

 


Số DN dự đoán sẽ giảm quy mô lao động và doanh thu nhiều hơn số DN cho rằng số lao động và doanh thu của họ sẽ tăng lên so với 6 tháng đầu năm”, Vietnam Report cho hay.

Về phía DN “ngoại”, kết quả cuộc khảo sát công bố trước đó khoảng 10 ngày của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), được thực hiện vào tháng 7/2012, cũng phản ánh góc nhìn tương tự: mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức trung bình.

Cảm nhận chung của DN châu Âu là quan ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh. Thậm chí, họ còn bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Góc nhìn bi quan của DN trong bối cảnh hiện nay có nguyên nhân từ những khó khăn trong kinh doanh. Báo cáo chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) công bố vào tháng trước cho thấy, các điều kiện kinh doanh đã suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 năm nay; số lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm nhanh nhất trong 8 tháng gần đây; đi kèm với đó là giá cả đầu ra giảm đáng kể.

“Số lượng đơn đặt hàng mới mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được trong tháng 6 đã giảm hai tháng liên tiếp. Chỉ số đơn đặt hàng mới đã được điều chỉnh theo mùa cho thấy tốc độ giảm nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011 (tương đương tốc độ giảm của tháng 2).

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy đa số người tham gia khảo sát nêu nguyên nhân là do nền kinh tế toàn cầu đình trệ khiến cho khách hàng của họ phải thắt chặt ngân sách…”, HSBC cho hay.

Hết rủi ro vĩ mô sang quan ngại chính sách

“Tình hình gần đây hơi lẫn lộn”, một chuyên gia kinh tế hàng đầu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói với Thời báo Ngân hàng. Nếu nhìn vào số liệu thống kê chính thức, nền kinh tế dường như “nhúc nhắc” đi lên.

Với nền kinh tế gia công và phụ thuộc vào nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị trong thời gian gần đây có xu hướng tăng lên là một bằng chứng cho quan điểm trên. Thêm dẫn chứng nữa, tín dụng đối với nền kinh tế cũng đang cải thiện dần.

Hay một góc nhìn khác, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá cũng trong xu hướng tốt dần. Chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến liên tục thấp xuống… Biểu hiện tích cực là thu thuế thu nhập DN tương đối khả quan và đã có gần 1.000 DN quay trở lại hoạt động.

Tăng trưởng quý II cũng cao hơn khá nhiều so với quý I. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí từng phát biểu vào tháng trước rằng: "Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất".

Nhưng, “lòng tin thị trường chưa cao”, vị chuyên gia từ CIEM lưu ý. Thành quả lớn nhất trong giai đoạn qua là chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát rất tốt tình hình lạm phát. Nhưng tiền tệ dường như đã hết dư địa, trong khi tình hình tới đây có thể sẽ rất khác.

Một loạt sự điều chỉnh về chính sách giá cả các mặt hàng thiết yếu trong thời gian qua đang dẫn tới nhiều quan ngại về khả năng lạm phát tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc ngân sách được ứng trước vốn của năm sau khoảng 30 nghìn tỷ đồng cũng đưa đến cảm nhận rủi ro có thể gia tăng.

“Lạm phát tháng này chắc chắn sẽ tăng trở lại”, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng lưu ý. Quan ngại lạm phát trở lại trong tháng 8 này đang gắn với việc giá nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, giá dịch vụ y tế... tăng.

Một số địa phương “khai mào” với mức giá dịch vụ y tế tăng gấp hai lần. Theo ông Hùng, với quyền số khoảng 3,5% của nhóm dịch vụ này thì nếu các địa phương lần lượt tăng ở mức trên thì khả năng lạm phát cả năm sẽ được tiếp thêm mức tăng tối thiểu là 2,8-3,3%.

Trong khi đó, giá điện đã được điều chỉnh tăng 5% vào đầu tháng 7; giá xăng dầu tăng liên tiếp 3 lần với tổng cộng mức tăng là 2.400 đồng/lít đối với xăng A92; giá gas tăng thêm hơn 10%... Còn nhìn về phía trước, học phí theo lộ trình sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng vào đầu tháng tới.

Dài hạn hơn, khoản ứng trước vốn đầu tư của năm sau cũng sẽ tác động ít nhiều tới lạm phát… “Lạm phát cả năm tại thời điểm này có thể dự báo khoảng 7-8%, cũng là cao hơn so với mức dự báo trước đây”, ông Hùng nói.

Cho nên, bất chấp các chỉ số vĩ mô đều ở trạng thái tốt hơn hoặc đang cải thiện đáng kể, quan ngại về rủi ro chính sách dường như đang làm suy yếu lòng tin thị trường, mà cảm nhận bi quan của DN về triển vọng kinh doanh thể hiện trong nhiều cuộc điều tra thời gian gần đây là hệ quả.


 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Các tin cũ hơn