Xăng tăng giá bồi thêm cú đòn đau vào doanh nghiệp
Thứ năm, 16/08/2012, 07:24
Chưa hoàn hồn vì đợt tăng giá xăng, điện, gas tháng trước, doanh nghiệp bị "bồi" thêm cú đánh khi xăng dầu tiếp tục tăng 500-1.100 đồng. Nhiều đơn vị ngừng sản xuất nhưng không dám công bố phá sản vì sợ ngân hàng xiết nợ.
"Doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, doanh số sụt giảm, vậy mà các loại chi phi đều lên. Từ cuối năm ngoái đến nay, đơn hàng luôn giảm, giờ thêm giá xăng tăng nữa e rằng sắp tới còn mệt mỏi hơn", ông Trương Vĩnh Thọ, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Da giày Sunhyun Vina tâm sự.
Theo ông Thọ, đơn hàng của công ty đang giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp phải thường xuyên vận chuyển hàng từ nhà máy ra cảng hoặc vận chuyển ra sân bay để xuất khẩu.
"Sau khi giá nhiên liệu lên, trong thời gian ngắn, chúng tôi cắn răng chịu đựng, chấp nhận mất mát nhưng với thời gian dài thì buộc phải điều chỉnh giá bán. Khi giá bán lẻ được đẩy lên thì người tiêu dùng sẽ không vui", ông Thọ phân tích.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá xăng đã tăng lần thứ 3.
Không những tác động giá thành đầu ra, theo nhiều doanh nghiệp, lần nhiên liệu tăng cao này sẽ kiến doanh thu của công ty mình sụt giảm do giảm sức mua.
"Giá xăng sẽ ảnh hưởng nhiều doanh thu, ít nhất là giảm từ 10-15% doanh thu của chúng tôi vì công ty vận chuyển hàng đi khắp nơi trên cả nước", ông Vũ Bá Đức, Giám đốc Công ty Inox Đức Việt nói.
Tương tự, ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty Đắc Vinh chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống - hàng nông sản ở Thành phố Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp nào lâu nay cũng đang "đau đầu" với nhiều khó khăn như tiếp cận vốn ngân hàng, doanh số giảm thì nay lại phải "gánh" thêm giá xăng. "Chúng tôi như bị kiệt sức", ông Vinh trần tình.
Giám đốc doanh nghiệp chế biến rau quả Hoàng Gia Nguyễn Trần Thái Bình thì cho rằng xăng tăng sẽ tác động đến 2 mặt: giá thành sản phẩm và tâm lý người tiêu dùng.
"Người dân sẽ e ngại hơn, dè dặt hơn khi chi tiêu, sức mua chắc chắn bị kéo giảm, chúng tôi xuất hàng rau quả đi châu Âu một tháng khoảng gần 20 tấn, thời gian tới, con số này nhiều khả năng sụt giảm vì giá xăng", ông Bình khẳng định.
Theo chủ doanh nghiệp này, trong mọi ngành có thể thấy rau quả bị ảnh hưởng nặng hơn vì không phải là mặt hàng thiết yếu, khi cắt giảm thì người tiêu dùng sẽ không mua những mặt hàng này đầu tiên.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, xăng dầu tăng khiến doanh trong hiệp hội lao đao. Cán thép tiêu thụ dầu FO là chủ yếu, nên mỗi khi điều chỉnh giá dầu, đầu vào sẽ tăng mạnh.
Lãnh đạo Hiệp hội Thép tính toán, để sản xuất ra một tấn thép, doanh nghiệp mất khoảng 40 kg dầu FO. Vậy với mỗi mức tăng 500 đồng mỗi kg, mỗi tấn thép đội chi phí lên 20.000 đồng.
"Mỗi năm ngành thép sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn. Với mức tăng 20.000 đồng mỗi tấn, ngành thép sẽ bị tăng chi phí sản xuất lên tới 110 tỷ đồng. Một con số quá lớn trong bối cảnh đầu ra đang khó khăn", ông Cường tính toán.
Bên cạnh nỗi lo dầu FO tăng giá, ngành thép, mặc dù không ngốn nhiều xăng trong sản xuất vẫn "đau đầu" vì mặt hàng này điều chỉnh mạnh.
Ông Cường chia sẻ, mặt hàng xăng biến động khiến ngành thép bị gián tiếp giáng đòn. Bởi với 3 lần điều chỉnh, xăng tăng 2.400 đồng mỗi lít kéo theo đó là giá cước vận tải điều chỉnh theo, khiến chi phí vận tải cũng leo thang. Trong khi đó, giá thép bán ra vẫn chỉ ở mức 15-16 triệu đồng mỗi tấn (chưa VAT).
Trong bối cảnh giá thép phế, phôi trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức cao, thì việc xăng, điện, gas dồn dập sẽ khiến doanh nghiệp rất khó tồn tại. Bởi thép phế khi nhập khẩu từ cảng về nhà máy vẫn vận chuyển chủ yếu bằng ôtô. Khi cước vận tải tăng, sẽ khiến chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng thêm.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ thép trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ thì ngành thép sẽ lỗ nặng.
"Đã có vài doanh nghiệp báo cáo lên Hiệp hội về việc ngừng sản xuất nhưng bi hài ở chỗ họ không dám công bố phá sản vì ngân hàng xiết nợ. Điều này chẳng khác gì doanh nghiệp sống như đã chết", ông Cường chia sẻ.
Không chỉ ngành thép mà xi măng cũng chật vật mưu sinh. Điện, xăng dầu chiếm khoảng 40% giá thành xi măng, với mức tăng 3 lần tới 2.400 đồng mỗi lít thì giá thành xăng đội lên 6-7%.
Đó là chưa kể, từ năm 2009 đến nay, giá bình quân 1KWh điện bán cho xi măng đã tăng gần 1,5 lần từ 948 đồng lên 1.369 đồng mỗi kWh. 6 tháng đầu năm, tiêu thụ nội địa xi măng đạt khoảng 23,6 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.
Hiệp hội đánh giá, trong bối cảnh thị trường xi măng nội địa suy giảm, cung lớn hơn cầu, giá xi măng không tăng, thậm chí giảm thông qua các hình thức khuyến mãi thì giá đầu vào như điện, than vẫn tiếp tục tăng sẽ làm ngành thêm oặt ẹo.
Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện nhìn nhận, ông hoàn toàn ngỡ ngàng khi điện xăng gas vừa điều chỉnh, xăng dầu lại tiếp tục tăng lần thứ 3. "Sức tăng dồn dập của các nguyên liệu đầu vào này sẽ khiến doanh nghiệp bị giáng tiếp đòn đau và không kịp trở tay", ông nói.
Trước đó, ngày 1/8, chỉ vừa tròn một tháng sau khi điện tăng giá 5% cả xăng - gas đồng loạt điều chỉnh với mức tăng khá mạnh (900 đồng mỗi lít xăng và 52.000 đồng bình gas 12 kg).
Ngày 13/8 vừa qua, xăng dầu tăng giá lần thứ 3 liên tiếp với mức điều chỉnh 500 - 1.100 đồng mỗi lít. Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng và 4 lần giảm. Dù số lần điều chỉnh nhiều hơn, nhưng mức tăng cao tới 5.400 đồng mỗi lít so với con số 3.200 đồng của 4 lần giảm giá.