Nguyên nhân nào khiến nhiều đại gia Việt bỗng chốc... dính vòng lao lý?

Thứ tư, 15/08/2012, 15:35
Có những đại gia khi bị bắt giữ đã khiến dư luận ngạc nhiên bởi lâu nay họ được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”, nhưng cũng có những đại gia khiến nhiều người hả dạ vì lòng tham vô độ, làm ăn phi pháp...
Việc hai cha con đại gia nức tiếng ở Hải Phòng Phạm Văn Thụ vừa mới bị bắt giam không khỏi khiến dư luận xôn xao bởi thời gian gần đây liên tiếp những đại gia, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân đang ở đỉnh cao danh vọng bổng chốc dính vòng lao lý.

Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, nay cả hai cha con ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn đều bị khởi tố, bắt giam. Cụ thể, vào ngày 8/8, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng.

Ông Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thép Thái Sơn, là con trai ông Thụ và ông Dương Hoàng Sơn, nguyên giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sắt thép Thanh Sơn cũng bị khởi tố cùng tội danh.

 
Có thể nói, khi thông tin ông Thụ bị bắt giữ khiến nhiều đại gia làng sắt thép Hải Phòng thấy buồn, bởi lâu nay ông được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”.

Năm 1995, ông Thụ thành lập Công ty Thái Sơn chuyên kinh doanh sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông Thụ mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Sản lượng bán hàng của công ty khoảng 10.000 – 20.000 tấn/tháng, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm.

 
Năm 2011, Công ty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng.
 
Ở cái thời hoàng kim đó, Công ty Thái Sơn được nhiều ngân hàng “săn đón” cấp lượng vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm mạnh tới 50% cùng với việc không bán được hàng, Công ty Thái Sơn lâm vào khó khăn. Lượng hàng tồn kho lớn, luôn tồn khoảng 70.000 – 80.000 tấn, nên năm đó công ty lỗ khoảng 250 tỷ đồng.
 
Trong thời gian này, Công ty Thái Sơn đã bán vật tư cho công ty công nghiệp tàu thủy Thái Sơn (công ty con) với trị giá hơn 110 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng đóng mới 3 con tàu đã ký với công ty cho thuê tài chính II (ALCII). Năm 2009, ALCII mới giải ngân được 60 tỷ đồng thì bị vỡ nợ và ngừng giải ngân. Đến tháng 5/2010, công ty Thái Sơn chỉ thu hồi được 85% tiền gốc và mất lãi.
 
Đến năm 2011, tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể các chi phí), Công ty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Tính đến tháng 2/2012, dư nợ vay của công ty Thái Sơn tại 13 tổ chức tín dụng (12 ngân hàng và 1 công ty tài chính) là hơn 752 tỷ đồng.
 
Trong đó, nhiều ngân hàng tại Hà Nội và Hải Phòng có dư nợ lớn, từ 70 đến 100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 100% khoản nợ của công ty Thái Sơn đã thành nợ quá hạn.

Ngoài ra, Công ty Thái Sơn còn nợ 7 công ty khác hơn 180 tỷ đồng. Công ty TNHH Thép Minh Thanh (trụ sở tại TP HCM), do ông Phạm Hải Thanh (con trai ông Thụ) là giám đốc, hiện có dư nợ 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng số nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng.

Cha con đại gia Phạm Văn Thụ bị bắt, để lại món nợ trên 1.300 tỷ đồng (Trụ sở Cty TNHH công nghiệp thương mại Thái Sơn tại Hải Phòng, một trong các doanh nghiệp của gia đình ông Thụ).

Trao đổi với báo chí hôm 14/8, một cán bộ của Công ty Thái Sơn cho biết: “Chỉ từ khi công ty Trường Sa vào mua công ty chúng tôi thì quan hệ giữa công ty Thái Sơn và các chủ nợ trở nên căng thẳng. Ngân hàng mới làm đơn tố cáo ông Thụ lừa đảo”.
 
Theo cán bộ này, Công ty Trường Sa đã mua Công ty Thái Sơn chỉ với giá … 1 USD (20.000 đồng) nhưng chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp đổi đăng kí kinh doanh mới.
 
Câu chuyện của cha con ông Thụ là bài học đắt giá với doanh nghiệp phải vay quá nhiều tiền ngân hàng để kinh doanh, trong khi lãi vay quá cao... Mặc dù hình thức “vay đảo nợ” bị Ngân hàng Nhà nước cấm, nhưng Công ty Thái Sơn vẫn tìm được “cửa” để lách.

Khi công ty Thái Sơn gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, giá sắt thép giảm mạnh và không bán được hàng, dư nợ vay ngày càng lớn nên công ty không thể trả nợ đúng hạn. Áp lực trả nợ gốc và lãi ngày càng lớn.

Công ty Thái Sơn đã dùng vốn vay ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng chủ nợ (đảo nợ) và các ngân hàng khác. Bằng cách bán hàng cho các công ty trong nhóm và dùng lô hàng này thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng, công ty Thái Sơn đã có được vốn để trang trải nợ nần. Song thực chất, dòng tiền chỉ chạy vòng quanh giữa các ngân hàng chủ nợ. Và công ty Thái Sơn chết cũng vì được ngân hàng “ưu ái” cho vay đảo nợ.

Trước đó, ngày 18/5, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong thời gian ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinalines.

Tuy nhiên, khi cảnh sát khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Dũng thì ông này vắng mặt bất thường. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phải phát lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng trên toàn quốc từ ngày 19/5.

 
Ông Dương Chí Dũng (55 tuổi) được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 2 năm nay. Trước đó, ông này nhiều năm là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines.
 
Quyết định bắt ông Dũng được cho là có liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007 - 2010.

Theo đó, Tổng công ty Hàng hải đã có nhiều khuyết điểm như mua sắm tàu cũ không phù hợp với kế hoạch được phê duyệt, quản lý sử dụng thiếu hiệu quả, dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém… Phần lớn những khuyết điểm này được xác định có trách nhiệm tập thể lãnh đạo Vinalines cùng Chủ tịch HĐQT (ông Dương Chí Dũng) và Tổng giám đốc các công ty thành viên thời kỳ 2005 - 2010.

 
Điển hình của các vụ mua sắm kể trên là ụ nổi No83M, được Vinalines mua phục vụ Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam. Mặc dù được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 nhưng tổng chi phí cho dự án này lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, làm rõ.

Trong tù, phạm nhân Nguyễn Văn Chung được gọi là Chung "đại gia" hoặc Chung "giáo sư".

Còn Chung "đại gia - dù sở hữu hàng chục biệt thự cùng khối tài sản kếch xù, làm việc cho nhiều công ty nước ngoài với tiền lương “khủng”, Chung vẫn đi lừa 2 nhà đầu tư cuỗm số tiền khổng lồ. Hiện, ở tuổi 57, Nguyễn Văn Chung là tù nhân tại trại giam số 3, tỉnh Nghệ An.

Người đàn ông từng là đại gia bất động sản một thời ở Sài Gòn tâm sự, không bằng lòng với lương công chức tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, giữa những năm 1980, Chung rời Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp trong sự ngăn cản của bạn bè và người thân.

Và sự nhạy bén đã giúp Chung đổi đời. Sau khóa học ở Singapore, người này được một tập đoàn lớn của Nhật Bản mời làm trưởng đại diện với mức lương cao ngất ngưởng 2.500 USD một tháng. Năm 1992, tập đoàn khác của Mỹ tiếp tục mời Chung về làm việc với mức thu nhập “khủng” hơn nhiều.

Có tiền trong tay, Chung đầu tư bất động sản. “Thời đó giá nhà đất ở TP HCM rẻ như bèo, tôi mua được hàng chục nền đất, biệt thự. Một thời gian sau, giá tăng... và cứ thế, tôi bước chân vào thế giới đại gia", Chung nhớ lại.

Hăng máu làm giàu chấp chấp cả những việc bất chính đã khiến Chung phải vào trại giam. Theo hồ sơ vụ án, năm 1997, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương cải tạo nâng cấp khách sạn Thái Nguyên thành trung tâm thương mại. Trong quá trình tỉnh kêu gọi đầu tư, Chung nhảy vào đây với tư cách trưởng đại diện một tập đoàn tài chính của Malaysia.

Khi dự án mới chỉ là chủ trương, đang ở giai đoạn chuẩn bị chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, Chung đã tự giới thiệu là chủ đầu tư, ra nhiều văn bản kêu gọi góp vốn với chức danh tự phong là giám đốc điều hành.

Hai nhà đầu tư đã mắc bẫy của Chung, ứng trước tổng cộng 40.000 USD và 500 triệu đồng để đặt cọc đấu thầu dự án.

Nhận tiền xong, Chung bỏ Thái Nguyên, “lặn mất tăm” vào Sài Gòn. Sự việc được trình báo cảnh sát. Do lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau nhiều lần xét xử Chung bị phạt 20 năm tù.

“Từ một đại gia, đi xe ôtô xịn, ở khách sạn hạng sang, tiêu tiền như nước nay đối mặt với mức án quá dài, tôi suy sụp, nhiều lúc nghĩ đến cái chết”, phạm nhân Chung tâm sự về ngày mới vào tù.

Người đàn ông này bảo, năm đầu tiên đối với ông rất khó hòa nhập. “Nhớ nhà, nhớ vợ con kinh khủng, nhớ những lần đi sắm đồ mà không cần biết giá đắt hay rẻ...”, Chung nói.

Tại trại giam số 3, sau thời gian lao động ở các phân xưởng sản xuất, Chung chuyển lên làm công tác văn hóa thi đua trong hội đồng tự quản phạm nhân. Với tầm hiểu biết nổi trội, Chung được anh em tù nhân gọi là “Chung giáo sư” thay cho biệt danh “Chung đại gia” của hồi mới vào tù.

Như vậy, rõ là thời buổi kinh tế khó khăn, nếu như nhiều doanh nhân nổi lên vì biết chèo chống doanh nghiệp thì cũng không ít lãnh đạo công ty bổng nổi tiếng vì dính vòng lao lý.

Vài tháng gần đây, các công ty chứng khoán không chỉ lao đao vì “đỏ” sàn, thua lỗ liên tiếp mà còn dính tới pháp luật, khi nhiều lãnh đạo bị bắt vì nghi án thao túng làm giá chứng khoán, báo cáo, mua bán sai luật… Chỉ tính riêng đầu tháng 8 đến nay, có khá nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán bị bắt. Trong ngày 10/8, liên tiếp Công ty Chứng khoán Cao Su và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sacombank bị “lên thớt” do các sếp làm ăn sai luật.

 
Cụ thể, chiều ngày 10/8, ông Phan Minh Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC) đã bị bắt tạm giam, vì hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (RFC).

Còn ông Phan Huy Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME, vào ngày 2/8, cũng bị bắt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SME cũng bị bắt...

 

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn