Quảng cáo hạt nêm tung tiếp hỏa mù, người dùng lãnh đủ

Thứ tư, 15/08/2012, 08:27
Bằng cách quảng cáo lập lờ, nhiều sản phẩm hạt nêm đang đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.


>> 6 quảng cáo hạt nêm 'lừa' người tiêu dùng
>> Chuyên gia Bộ Y tế: 'Quảng cáo hạt nêm hơi quá'
>> Quảng cáo hạt nêm lập lờ: Nhà sản xuất chối bay
>> Sự thật về hạt nêm: Nhà sản xuất giấu nhẹm hàm lượng chất điều vị
>> Hạt nêm: Có thực sự là ngọt từ xương ống, tủy?
>> Clip: Niềm tin bị đánh cắp sau lời quảng cáo hạt nêm Knorr
 

Nhan nhản sản phẩm chứa chất siêu ngọt

Thông tin hạt nêm không hoàn toàn làm từ thịt thăn và xương ống như các hãng sản xuất vẫn quảng cáo, khi các thành phần này chỉ chiếm không quá... 2%, khiến nhiều người tiêu dùng thực sự hoang mang.

Dạo qua một vòng thị trường phụ gia thực phẩm, bên cạnh mì chính, bột ngọt - những thứ phụ gia không thể thiếu trong bếp ăn mỗi gia đình, các sản phẩm hạt nêm cũng đang ngày càng phổ biến.

Từ những sản phẩm hạt nêm bình thường đến hạt nêm cao cấp, từ những hạt nêm được quảng cáo chiết xuất từ xương ống và thịt hầm, hay sườn non, thịt thăn, hạt sen tươi... trong thành phần của chúng đều có điểm chung là chứa bột ngọt (chất điều vị 621, 627, 631).
 



Nhan nhản các loại bột nêm


Chị Mai Anh (Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay gia đình chị đã không còn sử dụng mì chính nữa do những thông tin về việc sử dụng các chất siêu ngọt trong mì chính, không tốt cho sức khỏe.

Cũng từ đó, nghe quảng cáo hạt nêm được chế biến từ thịt và xương hầm nên cả gia đình chị đã chuyển sang dùng hạt nêm thay thế cho mì chính.

Tuy nhiên, khi chú ý đến thành phần ghi trên bao bì, chị Mai Anh mới tá hỏa vì thịt và xương chỉ chiếm chưa đến…2%!


Trong đó, các thành phần làm hạt nêm chủ yếu là: Muối, chất điều vị (621, 631, 627), đường, tinh bột sắn, bột thịt heo sấy và nước cốt xương, tủy hầm (20g)*, dầu cọ tinh luyện, hương thịt heo và hương vị thịt tổng hợp, màu Beta - caroten tổng hợp (160al) và các gia vị khác.

Nhiều loại hạt nêm như Hạt nêm thịt, xương 3 miền của Vinafosa, trên bao bì, thành phần thịt, xương cũng như các thành phần khác đều không được ghi rõ tỷ lệ là bao nhiêu. Cách ghi lập lờ này khiến nhiều người tin rằng tỷ lệ thịt và xương sẽ rất lớn và vị ngọt của bột nêm cũng là do thành phần này.

Không chỉ bột nêm, các gia vị khác như bột canh, mỳ chính, các chất điều vị cũng được sử dụng khá phổ biến.

Ví dụ trong các loại bột canh Hải Châu hay Vifon ngoài thành phần chính là muối, đều có chứa các chất điều vị là 627 và 631. Còn mì chính, ngay cả các thương hiệu lớn như Vedan hay Miwon,…các thành phần không được ghi hoặc ghi một cách chung chung.



Hạt nêm xương thịt 3 miền không ghi rõ tỷ lệ thành phần 


Loại bột ngọt Vedan loại 454g, trên bao bì ngoài quảng cáo độ tinh khiết trên 99% và dòng giới thiệu “Bột ngọt Vedan được làm từ nguyên liệu thiên nhiên nên rất tinh khiết” thì gần như không thấy các thành phần chủ yếu.

Còn trên bao bì của bột ngọt Miwon, thành phần cũng chỉ được ghi là làm từ tinh bột và mật mía đường, nhưng tỷ lệ phần trăm bao nhiêu không thấy ghi rõ.

Trong khi đó, các chất điều vị 627 (tên khoa học là "disodium guanylate") và 631 (tên khoa học "disodium inosinate") được sử dụng ở hầu hết các loại hạt nêm và bột canh hiện nay lại là những chất siêu ngọt.

Quảng cáo lập lờ, người dân lãnh đủ

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Theo các tài liệu khoa học thì chính chất điều vị 627 và 631 là chất siêu ngọt có độ ngọt gấp 10 đến 15 lần bột ngọt thông thường..., cứ nói đến 2 chất này, những người làm công nghiệp thực phẩm đều biết ngay rằng đó là chất siêu ngọt”.




Bột canh Hải Châu cũng có chất điều vị 627 và 631 


Đây là những chất được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm, Tổ chức y tế, Nông lương thế giới cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp về bột ngọt và khuyến cáo đây là chất an toàn, không độc hại.

Vấn đề còn lại chỉ là quảng cáo sản phẩm từ thịt, từ xương, từ nấm, từ rong biển mà chỉ có tý ty những thứ này thì khác gì đánh lừa người dùng. Do đó, bà Lâm cho rằng, nếu có bột ngọt hay siêu bột ngọt thì cứ nên công khai là có.

Còn theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, bột thịt có trong hạt nêm thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô chứ không phải từ nước hầm xương ống và thịt thăn.

Vả lại trong nước hầm xương ống có rất nhiều chất béo do tủy tiết ra nên khi cô đặc lại sẽ dễ bị ôi thiu kể cả trong môi trường chân không. Trên thực tế không có việc sản xuất hạt nêm từ nước hầm xương ống và thịt thăn như quảng cáo.

Việc quảng cáo bột nêm làm từ thịt và xương hầm, nó cũng giống như một bát cơm thịt, cơm có thể chiếm đến 80%, thịt chỉ 10%, rau 10%, nhưng vẫn gọi là cơm thịt.

Ông Đỗ Gia Phan, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng

PGS.TS Phan Thị Sửu dẫn chứng cụ thể bằng sản phẩm hạt nêm từ thịt K. được quảng cáo rầm rộ trong thời gian qua và nhiều người đang sử dụng.

“Nếu nhìn vào nhãn của nhà sản xuất đã công bố thì chúng ta cũng thấy được trong đó chỉ có 1,8% thịt, còn lại là những chất như mì chính, hoặc là 2 chất siêu ngọt khác, làm cho vị của sản phẩm trở nên rất ngọt, người tiêu dùng không biết thì cứ tưởng là ngọt từ xương thịt”, bà Sửu cho biết.

Trong khi đó, theo một số nghiên cứu, trong các loại hạt nêm phổ biến trên thị trường hiện nay, tỉ lệ bột ngọt dao động ở mức cao từ 27,03%-34,43%.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đều không công bố rõ chỉ tiêu này, vì ngại người tiêu dùng, trong đó có nhiều người dị ứng với bột ngọt, sẽ không sử dụng sản phẩm.

Giới chuyên môn cho rằng, bột ngọt là một phụ gia được thêm vào để có tác dụng làm gia tăng khẩu vị và là chất có trong danh mục các chất phụ gia được phép dùng trong thực phẩm. Theo quy định, nếu sử dụng bột ngọt trong sản phẩm phải ghi rõ.

Với kiểu lập lờ, không rõ ràng trong quảng cáo, việc in nhãn và quảng cáo này đã đánh trúng tâm lý của nhiều bà nội trợ không thích dùng bột ngọt, ngộ nhận về công dụng của hạt nêm.



Bột canh Vifon chứa chất điều vị 627 và 631


“Trong một rừng thông tin quảng cáo như hiện nay, nếu không đủ tỉnh táo chính người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất”, bà Sửu cảnh báo.

Còn trao đổi với báo chí, ông Đỗ Gia Phan, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết những đoạn quảng cáo hạt nêm như hiện nay đánh vào tâm lý người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng tin và mua hàng.

Tuy nhiên các đoạn quảng cáo lại lập lờ, sai sự thật. Trong trường hợp này, người tiêu dùng không có thông tin chính xác về sản phẩm nên quyền được lựa chọn của người tiêu dùng không được đảm bảo.

Nhà sản xuất, người quảng cáo phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, có trách nhiệm khi xây dựng các đoạn quảng cáo, không được quảng cáo sai sự thật, nói gì phải nói cho đúng, có thế nào nói thế đó, không được lập lờ, gây hiểu lầm.

Quảng cáo hạt nêm nói là làm từ xương ống, thịt heo nhưng làm gì có nhiều xương ống thế.

Theo luật bảo vệ người tiêu dùng, quảng cáo như vậy là không chấp nhận được. Cơ quan Nhà nước cần can thiệp, chấm dứt các quảng cáo lập lờ như vậy.

Bên cạnh đó, ông Phan cũng khuyên người tiêu dùng phải tỉnh táo, đừng vội tin các quảng cáo. Trước khi chờ nhà sản xuất tự giác, cơ quan quản lý vào cuộc, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình.


Theo VTCNews

Các tin cũ hơn