Dọc đường lớn thuộc địa phận thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), hàng loạt bao tải chứa đồ nhựa chết mà thoạt nhìn nhiều người dễ lầm tưởng là rác thải nằm ngổn ngang, bề bộn.
Vừa đặt chân tới địa phận của thôn, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là mùi hôi thối, lẫn tạp đủ thứ tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Còn với những người dân ở quanh đây, họ đã quá quen với cảnh sống chung cùng đồ nhựa chết và những thứ côn trùng, động vật gây hại.
Thoạt nhìn, chúng tôi lầm tưởng những nhà mái ngói thấp lè tè nằm rải rác ven đường là kho chứa đồ của chủ những tòa biệt thự mini cao vật vã nằm liền kề nhau trong thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng lại thuộc sở hữu của những chủ nhân khác nhau và như một lẽ tất yếu, trong thôn có kẻ giàu, người nghèo.
Những hộ nghèo ở đây đang ôm mộng đổi đời, đi lên từ những đồ nhựa chết như vỏ hộp sữa chua.
Cách đây vài tháng, thấy người ta “đồn thổi” buôn đồ nhựa “chết” kiếm tiền tỷ dễ như trở bàn tay, nhiều hộ gia đình ở đây bắt đầu rủ nhau hùm vốn kinh doanh mặt hàng này, trong số đó có gia đình ông Toàn (51 tuổi) ở thôn Đông Mẫu.
Ông Toàn cho biết, công việc chủ yếu của 5 thành viên trong gia đình họ là hàng ngày đi khắp nơi thu mua các loại đồ nhựa chết như ti vi hỏng, yếm xe máy đã thành đồ bỏ đi, thậm chí cả vỏ hộp sữa chua hay “xác” của những chiếc bật lửa hỏng…
Đống đồ nhựa chết cao chất ngất ở nhà ông Toàn.
Nói về lý do chọn công việc này làm kế sinh nhai nuôi cả gia đình, ông Toàn tâm sự: “Chúng tôi đều là lao động tự do, quanh năm ai gọi gì làm nấy, không có công việc ổn định. Khoảng hai tháng trước, đang lúc nhàn rỗi, không có việc làm, thấy người ta rỉ tai nhau về việc một số hộ gia đình trong huyện đổi đời, xây được nhà lầu, tậu xe hơi nhờ lãi khủng từ việc buôn đồ nhựa chết. Gia đình tôi cũng học làm giàu theo họ với hi vọng cuộc sống rồi đây sẽ đổi khác, bớt khổ hơn”.
Theo tiết lộ của vợ ông, bà và con cái thường đi dọc làng, thu lượm những thứ đồ nhựa đã bị bỏ đi hoặc thu mua với giá từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, về bán lại cho người ta với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg.
“Đối với một số loại đồ nhựa như yếm xe hỏng, chúng tôi xay ra rồi mới bán cũng với giá ấy. Thế nhưng, để có thể xay được chúng, gia đình tôi phải bỏ ra gần 30 triệu đồng mua máy xay. Còn những loại đồ nhựa chết khác, chỉ cần phân loại chúng ra là được”, bà T cho biết.
Trong khi đó, anh Hoàn (24 tuổi) – con trai bà – cho hay, dù mới chỉ kinh doanh mặt hàng này được chưa đầy 2 tháng, nhưng họ đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng vào chúng.
“Vốn đầu tư ban đầu, chủ yếu gia đình đi vay mượn của người khác. Dạo trước, người ta đánh ô tô tải về đây lấy hàng suốt, mình xuất được hàng còn kiếm chác được chút, chứ giờ ế ẩm lắm.
Họ không về lấy hàng nữa hoặc ép giá thấp hơn giá chúng tôi mua vào, chúng tôi chẳng biết làm gì với đống “sắt vụn” này cả. Thôi thì cứ chờ đợi thôi. Hàng ngày mẹ tôi chỉ biết khâu bao bì để đựng chúng lại cho ngăn nắp, tránh bị kẻ xấu ăn trộm”, anh Hoàn nói.
Điều đáng nói là cả 5 thành viên trong gia đình này cùng nhiều người khác ở thôn Đông Mãi đều không hề biết chút thông tin nào về người mua đồ nhựa "chết" của họ.
Theo mô tả, những người tới thôn mua hàng tới từ Hải Phòng hay Hưng Yên gì đó. Lần nào họ cũng đánh xe tải tới thu mua, có đợt tháng gần chục lần, có đợt mỗi tháng họ chỉ tới một lần. Họ không để lại số điện thoại hay bất cứ thông tin gì khác, cũng chẳng tiết lộ cho người dân ở đây mục đích thu mua, sử dụng mặt hàng này.
Thế nhưng, người dân ở đây vẫn rủ nhau buôn đồ nhựa "chết" và mỏi mòn chờ đợi ngày các chủ buôn tới thu mua hàng.
Vợ ông Toàn đang ngồi khâu bì đựng đồ nhựa chết.
Anh Hoàn quả quyết: “Buôn cái này thì không thể nào lỗ được, chỉ là sẽ phải ủ vốn hơi lâu nếu người ta chưa tới mua hàng mà thôi. Tôi thấy người ta bảo, với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít như nhà tôi, tối thiểu 1 năm cũng lãi được khoảng 50 – 60 triệu đồng. Tức là một gấp đôi đấy.
Còn nếu làm ăn lớn, có nhà lãi khủng, mua được cả suất đất mặt đường 100 m2 với giá 600 triệu đồng rồi đấy. Tới đây dự kiến người ta còn xây nhà tiền tỷ”.
Tuy nhiên, khi phóng viên bày tỏ lo ngại về khả năng hàng sẽ bị ứ đọng lại cả năm và trong khoảng thời gian dài đó, gia đình anh sẽ phải mất ăn mất ngủ với đống đồ nhựa chết tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh trên, tâm trạng anh Hoàn trĩu nặng.
Người đàn ông mới lập gia đình, đang nuôi con mọn này trải lòng: “Thú thực là giờ tôi cũng chẳng dám thu mua thêm nữa. Hàng đã mua về rồi, cứ đắp chiếu để đó, chờ người ta tới lấy thôi.
Còn nếu người ta không mua nữa, mình phải tiêu hủy, vứt bỏ cũng đành chịu chứ biết bấu víu vào đâu được. Xem như gia đình gặp vận hạn, mất gần trăm triệu đồng tiền vốn vậy chứ biết sao? Tới đây, tôi lại đi làm cửu vạn cho người ta để kiếm tiền mua sữa cho con thôi”.
Căn nhà tồi tàn lọt thỏm giữa "phố" của vợ chồng ông Toản.
Rời căn nhà tồi tàn, mục nát như kho chứa đồ mà có lẽ quanh năm chẳng thấy ánh nắng mặt trời do những bao nhựa chết chất đống cao hơn cả mái ngói đỏ sậm, chúng tôi không khỏi lo ngại cho sức khỏe của cô cháu gái “quý tử” vô cùng đáng yêu mới gần một năm tuổi và sức khỏe của vợ chồng ông lão già đã ngoại ngũ tuần.
Còn vợ chồng anh Hoàn, rồi đây họ sẽ làm gì để bù lại số tiền gần trăm triệu đồng đã “chuyển hóa” thành đống đồ nhựa chết nếu không ai hỏi mua chúng nữa?