Giảm kế hoạch lãi 2012 còn 69 tỷ đồng, Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines?

Thứ hai, 13/08/2012, 10:17
Việc phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh sẽ làm tăng áp lực lên đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines vào năm 2013.

>> Vietnam Airlines lên kế hoạch cổ phần hóa năm 2013
>> Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu thành tập đoàn 
>> Vietnam Airlines vay Eximbank 100 triệu USD để mua 4 máy bay Airbus A321
>> Vietnam airlines mở lại đường bay Vinh - Đà Nẵng
>> Vietnam Airlines khuyến mại giảm tới 50% giá vé


Trong số các chỉ tiêu kinh doanh vừa được Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất lên Bộ Giao thông - Vận tải xin phép điều chỉnh, đáng chú ý nhất là mức lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Hãng sẽ chỉ còn khoảng 69 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu năm 2012 của Hãng cũng giảm 2.400 tỷ đồng, tương đương 4,6% kế hoạch, xuống còn 52.460 tỷ đồng.
 


Cần phải nói thêm rằng, nếu không hoàn thành mục tiêu tiết kiệm 2.080 tỷ đồng chi phí (tăng 244 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu), Vietnam Airlines rất có thể sẽ kết thúc năm 2012 với nhiều khó khăn.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, việc Hãng hàng không đang nắm tới hơn 75% thị phần vận chuyển hành khách nội địa này phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận là điều bắt buộc, do kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2012 không đạt mức như kỳ vọng.

Cụ thể, doanh thu 5 tháng đầu năm, bao gồm cả doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 21.078 tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch. Trên thực tế, nếu không nhờ mạnh tay cắt giảm 9 -10% chi phí, Vietnam Airlines chưa chắc đạt được khoản lợi nhuận là 13 tỷ đồng.

Dù việc cắt giảm cung ứng nội địa để đối phó với nhu cầu giảm đã được Hãng thực hiện liên tục trên toàn mạng bay, nhưng hiệu quả khai thác vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kế hoạch. Ghế suất nội địa 5 tháng đầu năm của Vietnam Airlines chỉ đạt 78,2%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2,8 điểm và thấp hơn kế hoạch 3,2 điểm. Ghế suất 5 tháng trên các tuyến bay quốc tế của Hãng cũng chỉ ở mức tiệm cận gần với kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Hãng, ngay cả trong tháng 7 - tháng cao điểm Hè, doanh thu từ thị trường nội địa vẫn giảm 2,5 % so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với dự báo.

Ngoài tổng cầu giảm do suy thoái kinh tế, với việc tham gia mạnh mẽ của Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng bị mất thị phần đáng kể trên 2 tuyến đường bay vàng là Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng.

Một yếu tố nữa khiến lãnh đạo Vietnam Airlines lo ngại chỉ tiêu lợi nhuận không đạt kế hoạchlà vì phải trích lập dự phòng hơn 6 triệu USD, sau khi tiếp nhận Jetstar Pacific, bởi doanh nghiệp này lỗ ước tới 10 triệu USD.

Theo các chuyên gia, việc Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh giảm các mục tiêu kinh doanh, cho dù hợp lý trong bối cảnh kinh tế chung, sẽ khiến gia tăng áp lực lên tham vọng thu về tối thiểu 200 triệu USD trong đợt IPO.

Theo đó, ngay cả khi hoàn thành kế hoạch điều chỉnh năm 2012, hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của Vietnam Airlines là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lần lượt đạt những kết quả khá khiêm tốn là 0,73% và 0,13%.

Hiện thời điểm IPO của Vietnam Airlines đã được “chốt” là không chậm hơn cuối năm 2013. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines dự kiến xây dựng phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa là 70% - 80%.

Việc tiến hành cổ phần hóa Vietnam Airlines là một trong những giải pháp tài chính quan trọng đầu tiên để Hãng này khởi động quá trình tái cơ cấu để trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ ba khu vực ASEAN, với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015.

 

Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn