Sắp họp đặc biệt về tái cấu trúc Petro Vietnam, Vinachem

Thứ hai, 13/08/2012, 12:46
Tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ có các phiên họp đặc biệt để thảo luận về các đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

>> Petro Vietnam sẽ tái cấu trúc như thế nào?
>> Tái cấu trúc PVN: tập trung năm lĩnh vực kinh doanh chính
>> PVN tìm kiếm cổ đông chiến lược 
>> Vụ PVN 'quên' nộp ngân sách: Thủ tướng yêu cầu đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định 


Các bản đề án này đã được các tập đoàn hoàn thành và trình lên Chính phủ sau khi tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia.

Tháng trước, các nội dung chính trong đề án tái cấu trúc Petro Vietnam đã chính thức được công bố với báo giới, theo đó Petro Vietnam sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi.




Tháng trước, các nội dung chính trong đề án tái cơ cấu Petro Vietnam đã chính thức được
công bố với báo giới.

 

Đối với các lĩnh vực khác không thuộc 5 lĩnh vực trên sẽ được Petro Vietnam xây dựng lộ trình thoái vốn đến năm 2015, với lượng vốn khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Petro Vietnam vẫn đề xuất với Chính phủ cho phép giữ lại lượng vốn hợp lý trong Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), mặc dù về lý thuyết các doanh nghiệp này không liên quan gì tới lĩnh vực kinh doanh chính.

Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam, các tổng công ty PVI và PVFC là hai đơn vị lớn của tập đoàn, đã được thành lập từ lâu và có vai trò nhất định trong quá trình phát triển của Petro Vietnam.

Trong khi đó, tại Vinachem, tái cấu trúc cũng được xác định là một nội dung hoạt động được quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được thành lập vào năm 2010 trên cơ sở sắp xếp lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam với vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng. Tập đoàn có 7 công ty con do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 công ty con do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa và 16 công ty con do tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Đây là đề án do Bộ Tài chính xây dựng theo sự chỉ đạo của Chính phủ và là một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế.

 


Theo Vneconomy

Các tin cũ hơn