Những ngày vui được hưởng 5 lần giảm giá xăng dầu nhỏ giọt đúng là “ngắn chẳng tày gang”. Từ cuối tháng 7, giá xăng dầu đổi chiều. Lần này, ngoài xăng, dầu ma dút…, giá gas cũng tăng mạnh. Túi tiền của người dân bị đánh từ trong bếp ra đến ngoài đường. Cái bụng của người dân lại phải buộc chặt thêm.
Lần này, Cục Quản lý giá còn tuyên bố cho các DN kinh doanh xăng dầu được căn cứ vào mức tăng của giá thế giới mà chủ động điều chỉnh giá với mật độ 10 ngày một lần và mức tăng không quá 7% một lần.
Có nghĩa là sau một tháng, người tiêu dùng có thể phải chịu mức giá xăng dầu tăng tổng cộng 22% sau 3 lần điều chỉnh (mỗi lần tăng 7%, lần sau trên cơ sở đã tăng của lần trước mà tính thêm 7% vào). Tốc độ của những cuộc “không hẹn cũng cứ lên” của giá xăng dầu rất có thể sẽ khiến người tiêu dùng chóng mặt!
Giá xăng tăng 1.100 đ/ lít từ 5h chiều ngày 13/8 vừa qua.
Các nhà quản lý giá thì thấy ổn bởi lạm phát đang thấp. Mấy ông chuyên gia hay phản biện sẽ không thể kêu ca tăng giá xăng dầu làm tăng lạm phát. Lại còn thực hiện được lộ trình để cho giá cả theo thị trường nữa.
Mặt khác, đã trao quyền cho DN rồi nên khi tăng giá, ai thắc mắc thì tìm DN mà hỏi; còn ai hỏi DN thì DN sẽ trả lời “tăng đúng quy định”. Thật là tiện!
Tuy nhiên, đối với người dân thì khác. Vẫn biết giá xăng dầu ở nước ta phụ thuộc rất lớn vào giá thị trường thế giới do phải nhập phần lớn sản phẩm, vẫn biết giá xăng dầu trên thế giới luôn biến động, nhiều khi rất bất thường, nhưng bao nhiêu năm nay, người dân vẫn không ngừng bức xúc, ấm ức với cái cách điều hành giá xăng dầu.
Một là, tại sao giá xăng dầu ở nước ta luôn luôn lên nhanh xuống chậm, lên nhiều xuống ít so với giá thế giới? Do thiếu thông tin, do những bất cập trong điều hành của các cơ quan nhà nước hay do cái kiểu “khôn nhưng không ngoan” của các DN xăng dầu? Chỉ biết rút cục bao giờ người tiêu dùng cũng thiệt.
Hai là, tại sao việc minh bạch thông tin về cơ sở hình thành giá xăng dầu lại khó đến thế? Khó đến nỗi nhà nước hứa với nhân dân mà mãi vẫn không thực hiện được. Khó đến nỗi chính “ông xăng dầu” cũng chẳng biết mình lỗ hay lãi, khi cùng một ông, chỉ trong vòng vài tháng, đã đưa ra con số lúc thì lãi, lúc thì lỗ, mà đều hàng nghìn tỉ đồng.
Ba là, tại sao việc tạo cạnh tranh thực sự trong kinh doanh xăng dầu khó đến thế? Cả nước có hơn 600.000 DN, mà chỉ có hơn chục “ông” được phép kinh doanh xăng dầu, trong đó riêng ông to nhất đã “nặng ký” hơn tất cả các ông kia cộng lại. Vậy có thể gọi là đã có “thị trường cạnh tranh”?
Bốn là, cái quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì khi mà DN thì trích tiền của người tiêu dùng để lập quỹ, nhưng khi giá tăng thì quỹ chẳng thấy đâu.
Năm là, các vị được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý giá xăng dầu (và giá điện) đại diện cho quyền lợi của dân hay của DN xăng dầu (và điện)? Vì toàn thấy các vị ấy nói cho DN, chứ có thấy các vị ấy buộc DN phải minh bạch thông tin, cải cách hệ thống quản trị, áp dụng các biện pháp để tiết kiệm và giảm chi phí, giảm giá thành… như dân đòi hỏi đâu.
Thôi đừng hỏi nữa dân ơi. Về mà lo túi tiền của mình đi. Giá thuốc, giá dịch vụ y tế cũng đang thi nhau lên đấy. Và 10 ngày sắp qua rồi, giá xăng lại sắp lên kia kìa!