Cận cảnh các dự án bất động sản "ngoại" vùng ven

Thứ tư, 15/08/2012, 08:48
Với sự trầm lắng chung của thị trường, không ít dự án vốn FDI vùng ven của Hà Nội đang khiến nhà đầu tư “khóc dở, mếu dở”.


>> Nhà đầu tư chạy, ‘dự án nghìn tỷ’ chết
>> Sông Đà Thăng Long “xin” giãn tiến độ dự án USilk City
>> Ồ ạt mở bán dự án
>> Gamuda City, siêu dự án bất động sản bắt đầu “phát bệnh”?
 

Lâu nay, những dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn có một sức hút đặc biệt với nhà đầu tư và khách hàng, bởi uy tín quản lý ngoại và những ưu thế của nguồn vốn ngoại.

Tuy nhiên trên thực tế, các dự án có vốn FDI không phải dự án nào cũng “long lanh” như những giới thiệu hoành tráng. Với sự trầm lắng chung của thị trường, không ít dự án vốn FDI vùng ven của Hà Nội đang khiến nhà đầu tư “khóc dở, mếu dở”.

Khoảng một năm trở lại đây, thị trường bất động sản liên tục sụt giảm khiến không ít chủ đâu tư ngoại tạm dừng hoặc kéo dài thời gian thi công dự án. Số lượng dự án tạm dừng hoặc kéo dài thời gian triển khai tăng theo cấp số nhân, nếu việc thống kê được tiến hành tại các khu vực vùng ven thành phố.

 



Dự án Park City đã bị bỏ hoang từ 7 - 8 tháng nay sau khi hoàn thiện xong phần cọc móng.


Tại Dự án Park City trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội của liên doanh giữa Perdana ParkCity Pte (Singapore) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này đã tạm dừng triển khai ít nhất từ 7 - 8 tháng trở lại đây. Hiện toàn bộ Dự án Park City đã được chủ đầu tư quây bằng hàng rào tôn. Nhờ bức tường rào, cảnh hoang vu, tiêu điều của dự án cũng giảm đi phần nào.

Tại khu nhà thấp tầng Tiểu khu 1, theo dự kiến sẽ bàn giao nhà vào quý I/2013. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện phần móng cách đây 7 - 8 tháng, Dự án đã tạm dừng thi công. Với việc khối lượng công việc triển khai chưa được bao nhiêu, việc bàn giao nhà cho khách hàng đúng hẹn là rất khó, khi thời hạn bàn giao nhà đã cận kề.

Cũng là một dự án có vốn FDI, “siêu dự án” Gamuda City với vốn đầu tư dự kiến lên đến 5 tỷ USD của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) và một doanh nghiệp thuộc ngành giao thông vận tải cũng từng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai, phần lớn dự án vẫn đang bị bỏ hoang từ nhiều tháng nay.

Do các dự án chậm triển khai, các nhà đầu tư không còn kỳ vọng việc kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, nên gần đây, nhiều nhà đầu tư tại 2 dự án FDI này đua nhau bán tháo. Thậm chí, không ít nhà đầu tư chấp nhận chịu lỗ, nhưng việc bán được sản phẩm tại các dự án này cũng không phải dễ.

Đối lập với cảnh lạnh lùng tại những dự án trên, tại Dự án Splendora của liên doanh Posco E&C (Hàn Quốc) và Vinaconex (Việt Nam) lại đang được triển khai rất nhanh.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, khách hàng mua nhà giai đoạn 1 sẽ được bàn giao nhà. Dù thị trường bất động sản còn khó khăn, nhiều chủ dự án tiếp tục tạm dừng dự án, nhưng mới đây, liên doanh này vẫn tiếp tục cho triển khai giai đoạn 2 của Dự án.

Với việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, Splendora đã chứng tỏ được những ưu thế về vốn ngoại và ưu thế của quản lý ngoại. Thế nhưng, việc thị trường sụt giảm, trong khi dự án triển khai quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay trong việc… xoay tiền đóng theo tiến độ.

Khan hiếm tiền mặt, cũng không còn kỳ vọng kiếm được lợi nhuận như trước đây, khiến làn sóng bán tháo của nhà đầu tư tại Dự án Splendora đang bắt đầu xuất hiện. Để tăng sức hấp dẫn cho dự án này, việc kéo dãn thời hạn nộp tiền cho khách hàng là điều chủ đầu tư cần tính đến.

Dường như các dự án bất động sản có vốn FDI tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài, các nhà đầu tư cũng không còn tự huyễn hoặc mình đối với các dự án vốn FDI khiến các dự án này cũng đang lâm vào cảnh chợ chiều dù mang mác ngoại.

 


Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích