Trả lời phóng viên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, ngoại trừ Habubank, đến thời điểm này, chưa có phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém nào tối ưu được trình lên NHNN xem xét.
“NHNN đang tích cực chỉ đạo, song việc đẩy nhanh quá trình mua bán và sáp nhập (M&A), tùy thuộc vào việc các ngân hàng có đưa ra được những phương án tối ưu, phù hợp với lợi ích của cả hai bên hay không. Hiện nhiều ngân hàng đang tích cực tự nguyện đàm phán với nhau. Chúng tôi hy vọng, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong năm 2012 sẽ đạt mục tiêu đề ra", ông Tú chia sẻ.
Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, GPBank là ngân hàng phải trình phương án tái cơ cấu nhưng chưa thấy trình, đang trong quá trình tự xử lý.
Một lãnh đạo khác của NHNN cũng cho biết thêm, việc “tìm hiểu” nhau giữa các ngân hàng yếu kém với các đối tác trong nước và nước ngoài đang diễn ra khá nhộn nhịp.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ vụ rò rỉ thông tin của Habubank, hầu như các ngân hàng đều giữ bí mật hoàn toàn quá trình tìm kiếm đối tác.
Đây cũng là yêu cầu của NHNN đặt ra với các ngân hàng về bảo mật thông tin đối với các thương vụ M&A. Hơn nữa, thực tế thời gian qua cho thấy, có những thương vụ gần như thành công, song đến phút cuối cùng lại đổ bể do hai bên không đạt được một số thỏa thuận. Do đó, việc thông tin quá sớm về phương án tái cơ cấu là không có lợi cho thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, có khả năng trong 4 tháng cuối năm, sẽ có vài thương vụ M&A hoặc tự tái cơ cấu ngân hàng diễn ra.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, tại Hà Nội có 3 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, thì đến nay, đã có hai ngân hàng hoàn thành phương án tái cơ cấu.
Cụ thể, với TienPhong Bank, Chính phủ đã chấp thuận phương án tự tái cơ cấu, còn Habubank cũng đã chính thức được chấp thuận sáp nhập vào SHB. “Hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) là ở trong diện phải trình phương án tái cơ cấu. Hiện GPBank đang trong quá trình tự xử lý, chưa thấy trình phương án tái cơ cấu chính thức lên NHNN chi nhánh Hà Nội”, bà Mai Sương nói.
Trong khi đó, tại TP HCM, nhiều câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra với một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng từng bị NHNN “thổi còi” vì vi phạm trong hoạt động tín dụng.
Một thương vụ M&A ngân hàng, tổ chức tín dụng khác cũng đang được đồn đoán là trường hợp của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).
Trước đó, ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC cho biết, đơn vị này đang có kế hoạch chuyển đổi thành ngân hàng thương mại.
Việc chuyển đổi này có thể thực hiện thông qua việc PVFC thực hiện hợp nhất với một ngân hàng thương mại. Vấn đề đặt ra là, nếu PVFC chuyển đổi thành công mô hình sang ngân hàng thương mại, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ có cổ phần tại hai ngân hàng (PVFC và Oceanbank). Như vậy, PVN buộc phải thoái vốn khỏi một ngân hàng hoặc hợp nhất hai ngân hàng này lại với nhau.
Đầu năm 2012, lãnh đạo NHNN tuyên bố, sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng ngay trong quý I/2012. Tuy nhiên, hiện đã sắp hết quý III, mà trên thị trường mới chỉ có 2 ngân hàng hoàn thành phương án tái cấu trúc, trong đó Habubank-SHB là thương vụ sáp nhập đầu tiên.
Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang bị chững lại, một phần là do lợi ích nhóm. Khi các ngân hàng đã qua giai đoạn nguy hiểm về thanh khoản, sẽ có nhiều ngân hàng tìm cách trì hoãn tái cơ cấu để mưu lợi riêng.
Nếu tình trạng này tái diễn, nguy cơ mất an toàn của hệ thống sẽ lại căng thẳng. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích sự tự nguyện của các ngân hàng, NHNN cũng cần tạo sức ép mạnh hơn với các ngân hàng yếu để đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận xét: “Trước mắt, động lực của quá trình tái cấu trúc dường như đang bị những khó khăn ngắn hạn làm thui chột. Nếu không có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì quá trình bị ngưng trệ này sẽ kéo dài”.