Sáp nhập các TCTC, sẽ không chỉ là ngân hàng với nhau

Thứ năm, 16/08/2012, 07:52
Đã có một vụ hợp nhất 3 ngân hàng, một vụ sáp nhập 2 ngân hàng, nhưng Ngân hàng Nhà nước tỏ quan điểm muốn làm nhiều hơn những gì đã diễn ra.
 
>> Một nhà băng phải tái cơ cấu đang 'tự xử lý'
>> SHB được phép biến động 25% trong ngày 17/8
>> Đích cuối vụ sáp nhập Habubank vào SHB
>> Sếp Habubank vắng bóng trong ban lãnh đạo SHB mới
 
Cuối tuần trước, vụ sáp nhập gây nóng trên thị trường gần một năm qua đã hoàn tất với quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý cho HBB sáp nhập vào SHB.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, công việc sáp nhập hai ngân hàng chỉ còn một số thủ tục như hủy niêm yết cổ phiếu HBB; chốt danh sách cổ đông, thực hiện hoán đổi cổ phiếu/phát hành thêm cổ phiếu để chính thức niêm yết bổ sung cổ phiếu SHB là hoàn tất.

Đây là trường hợp sáp nhập ngân hàng nói chung và ngân hàng niêm yết trên TTCK nói riêng thành công ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tiến trình triển khai sáp nhập khá nhanh nhưng để xử lý những vấn đề tồn đọng của các ngân hàng sau sáp nhập, cần không ít thời gian. Về cơ bản, các khó khăn của ngân hàng sau sáp nhập phải do ngân hàng chủ động xử lý, nhất là các trường hợp sáp nhập trên cơ sở tự nguyện.

 
Thị trường sẽ có thêm những vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng trong thời gian tới

Theo TS. Hiếu, mặc dù sáp nhập là quyết định của các ngân hàng tham gia, nhưng điều này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Do đó, NHNN và các cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập để can thiệp, hỗ trợ xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng sau sáp nhập, nhằm bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của nhân dân và không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.

“Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng sau sáp nhập như cho vay tái cấp vốn, xử lý nợ xấu…”, TS. Hiếu nói.

Trao đổi với ĐTCK, một quan chức NHNN cho biết, các vụ M&A trong ngành ngân hàng thời gian vừa qua chủ yếu diễn ra giữa các ngân hàng nhỏ và vừa với nhau, gắn liền với cơ cấu lại ngân hàng. Trong thời gian tới, xu hướng này vẫn tiếp diễn cùng với việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đến năm 2015.

“Với số lượng TCTD thuộc diện yếu kém hiện nay, thị trường sẽ có thêm những vụ sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ diễn ra việc sáp nhập, hợp nhất giữa các TCTD thuộc loại hình khác nhau, như hợp nhất công ty tài chính với ngân hàng”, vị quan chức NHNN chia sẻ.

Trên thực tế, việc sáp nhập một tổ chức tài chính thuộc loại hình khác vào ngân hàng đã diễn ra, như việc sáp nhập Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam) với Ngân hàng TMCP Liên Việt vào cuối tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, việc hợp nhất công ty tài chính với ngân hàng thì chưa có tiền lệ.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cho biết, công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư.

Cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm. Tại Việt Nam, các công ty tài chính phần lớn thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Luật sư Hải phân tích, năm 2011, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sự khan hiếm luồng tiền khiến tài sản sinh lời từ hoạt động cho vay, kinh doanh vốn và đầu tư tổng tài sản của các công ty tài chính sụt giảm mạnh so với năm 2010, đẩy hoạt động của các công ty tài chính này vào tình hình rất khó khăn.

Cụ thể, trong năm qua, tổng tài sản của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) giảm tới 5.216,06 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC) cũng giảm tới 2.372,66 tỷ đồng; tổng tài sản của Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) giảm 820,75 tỷ đồng…

Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” vào giữa tháng 7, trong đó yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2012 đối với các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản… sẽ khiến các công ty tài chính phải đối mặt với việc suy yếu tiếp nội lực.

“Việc các công ty tài chính sáp nhập về với ngân hàng trong thời gian tới là cần thiết. Công ty tài chính nên là một trong những dịch vụ tài chính thuộc về ngân hàng với những đối tượng khách hàng không giống của ngân hàng”, TS. Hiếu nói.    

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn