Đằng sau những vé máy bay giá rẻ

Thứ năm, 23/08/2012, 10:00
...Là sự lo ngại về sự suy giảm thị trường không chỉ của những hãng hàng không non trẻ như AirMekong, Vietjet Air... mà còn là của đại gia Vietnam Airlines đang nắm trên 70% thị phần.

>> Air Mekong và VietJetAir sải cánh giành thị phần
>> Vietjet Air tiết kiệm đến 'bần tiện'?
>> VietJetAir mở đường bay Nha Trang
>> Vietnam Airlines khuyến mại giảm tới 50% giá vé
 

Đồng loạt khuyến mãi khủng

Khoảng 3 năm trở lại đây, khách hàng được hưởng những đợt giảm giá rất lớn của Hãng hàng không quốc gia (VNA). Theo hãng này tự nhận, hàng trăm nghìn vé máy bay giảm tới 50% đã được bán ra hàng năm.

Những đợt giảm giá diện rộng của VNA không chỉ kéo theo sự kích cầu đi lại bằng đường hàng không mà còn khiến các hãng còn lại “lên cơn sốt”.

Indochina Airlines - hãng đã phải dừng bay sau hơn 1 năm khai thác, đã từng than rằng giá vé không thể đẩy lên như dự kiến bởi sức ép cạnh tranh trên thị trường quá lớn.

Jetstar Pacific với lợi thế vốn có của hãng hàng không giá rẻ cũng phải thừa nhận khó chịu đựng nổi những đợt giảm giá ào ạt của “anh cả”. Vé bán ra thu không đủ bù chi phí,  không được như dự tính cùng với nhiều yếu tố khác trong quản lý điều hành khiến hãng này liên tục lỗ trong vài năm trở lại đây và chắc chắn tiếp tục lỗ không dưới 9 triệu USD trong năm 2012.
 



Giá vé hợp lý của Vietjet Air khiến lượng khách của hãng không ngừng tăng


Mới tham gia thị trường, để khẳng định lợi thế giá vé rẻ cho nhiều người cùng bay, Vietjet Air cũng đã tung ra không ít đợt khuyến mãi với mức giá siêu rẻ 19 nghìn đồng hoặc từ 350 tới 900 ngàn đồng cho các chặng bay trong nước.

Ngay khi Vietjet Air tăng tần suất khai thác, VNA cũng tung ra chiến dịch khuyến mãi mùa thu với 300 nghìn vé có mức giá một chiều trên các chặng nội địa chỉ còn từ 550 nghìn đến 950 nghìn đồng chưa kể thuế và phí.

Tuy nhiên, những mức giá này cũng không gây sốt với khách hàng so với những năm trước bởi ngay cả trong dịp không giảm giá vào cuối tháng 8 này, khách hàng hoàn toàn có thể mua được vé Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với giá khoảng 1,2 triệu đồng đã bao gồm cả thuế và phí. Và cùng hành trình này, chỉ với 1,3 đến 1,5 triệu, khách cũng có thể mua được vé của hãng hàng không quốc gia mà không mang tiếng “đi vé máy bay giá rẻ”.

Không quảng bá rầm rộ về các chương trình khuyến mại nhưng Air Mekong và Jetstar Pacific cũng lặng lẽ điều chỉnh giá vé ở mức có thể chấp nhận được với khoảng cách chênh lệch với giá thấp nhất của VNA chỉ 300 - 600 ngàn đồng.

Sẽ tiếp tục những báo cáo kinh doanh thua lỗ?

Lý giải cho một chính sách giá vé linh hoạt chưa từng có so với trước đây, lãnh đạo VNA cho biết, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng trên cả đường bay quốc tế lẫn nội địa. Nhiều đường bay quốc tế của hãng bị ảnh hưởng vì yếu tố chính trị, kinh tế toàn cầu cũng như sự xuất hiện các hãng cạnh tranh mới.

Thay vì trông chờ doanh thu từ thị trường quốc tế bù đắp cho các đường bay trong nước thua lỗ, VNA buộc phải nâng hiệu quả khai thác trên các tuyến nội địa. Trước mắt bằng việc điều chỉnh lại sản phẩm, giảm tần suất trên các chuyến ít khách, điều hành linh hoạt khi thị trường suy giảm.
 

Các hãng hàng không châu Á đều gặp khó

Quý I/2012, Malaysia Airlines lỗ 55,4 triệu USD, Korean Airlines lỗ hơn 100 triệu USD, lợi nhuận của Singapore Airlines, Asiana Airlines đều giảm mạnh từ 45 đến 95% so với cùng kỳ.

Hãng đã tận dụng tối đa cơ hội thị trường trong mùa cao điểm tháng 7, tháng 8 này để tăng nguồn thu với các chính sách giá hết sức cạnh tranh so với các đối thủ còn lại.

Trong một báo cáo mới đây, VNA đánh giá hết năm nay, sản lượng vận chuyển nội địa của hãng giảm tới 7,5% so với kế hoạch đầu năm và chỉ giữ được ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2011.

Thực tế là với sự gia tăng tàu bay của Vietjet Air và thị trường giảm hơn 2,6% trong 6 tháng đầu năm đã khiến lượng khách nội địa của VNA chỉ đạt 5,8 triệu khách, bằng 96% kế hoạch. Với thị trường suy giảm so với dự báo, khó khăn càng đè nặng lên các hãng hàng không mới gia nhập thị trường.

Air Mekong quyết định thuê thêm tàu bay A320 để tăng năng lực khai thác trên các đường trục thay cho việc chỉ sử dụng tàu bay Bombadier hiện nay. Vietjet Air cũng đang phải gánh nhiều chi phí do mở đường bay mới. Jetstar Pacific lỗ lũy kế chưa thể tháo gỡ dù đã được SCIC bàn giao lại cổ phần cho Vietnam Airlines. Đến thời điểm này, có thể nói, bức tranh tài chính của các hãng hàng không Việt trong năm 2012 sẽ tiếp tục ảm đạm.
 


Theo GTVT

Các tin cũ hơn