Cần công khai các khoản chi tiêu của Chính phủ

Thứ tư, 05/09/2012, 08:44
“Hiện nay, với tỷ lệ thuế và phí/GDP xấp xỉ 27%, cộng với 4 – 5% bội chi ngân sách thì chứng tỏ chi tiêu của Chính phủ là rất cao so với mặt bằng của nhiều nước trong khu vực” - TS Lê Đăng Doanh nói.

>> Cả nước có 63 nền kinh tế!
>> "Lợi ích nhóm" và cải cách thể chế
>> Lại ồ ạt đầu tư công
>> Mạnh tay “bơm” vốn đầu tư công và nỗi lo lạm phát tái xuất
>> Đầu tư công kém hiệu quả - Gánh nặng tài khóa tương lai ra sao?
 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Báo cáo kinh tế Việt Nam 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với UNDP đưa ra đã thu hút sự quan tâm, bởi lần đầu tiên báo cáo của một cơ quan giám sát ghi nhận thực tế “người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh mức thuế, phí cao nhất trong khu vực”.

Thưa ông, báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2012 vừa được công bố cho thấy tỷ lệ thuế và phí/GDP mà người dân Việt Nam đang phải “gánh” là rất cao, cao hơn hẳn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Ông bình luận gì về kết quả này?

- Hiện tại mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp nhất so với các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc…

Trong khi đó tỷ lệ thu thuế, phí lại cao nhất. Nếu tính cả bội chi ngân sách rất cao (4-5%) thì có thể nói Chính phủ chi tiêu cao nhất. Có nghĩa là có một “miếng bánh” mà Chính phủ chi tiêu nhiều thì các mục đích khác, lĩnh vực khác sẽ ít đi.
 



Theo TS Lê Đăng Doanh, việc đầu tư, mua sắm của Chính phủ cần được công khai, minh bạch (ảnh minh họa).


Đồng thời, với mức thuế và phí cao như vậy sẽ dẫn đến việc giá đầu vào của các sản phẩm tăng cao, khiến giá sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ cao, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn khó cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ở các nước có tỷ lệ thuế, phí thấp hơn.

Theo ông, tại sao người dân lại phải chịu một cơ chế thuế, phí cao như vậy, có phải vì chúng ta quá đề cao yếu tố tăng trưởng, chọn tăng trưởng bằng mọi giá?

- Việc tồn tại một khung thuế, phí cao như hiện nay chứng tỏ Chính phủ đang phải chi tiêu nhiều và Chính phủ nghĩ rằng mình đang chi tiêu hiệu quả và đem lại kết quả cao. Nhìn vào tỷ lệ thuế, phí có thể đánh giá hiệu quả làm việc của Chính phủ. Tuy nhiên, chi tiêu Chính phủ khi đã vượt quá ngưỡng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.

Các khoản thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu hay như thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) đang gây nhiều tranh cãi. Theo ông, việc làm cấp bách nên chăng cần phải hạ ngay nhiều mức thuế xuống?

- Tôi cho rằng tất cả các loại thuế nên giảm xuống với mức trung bình của các nước trong khu vực. Kinh tế càng khó khăn thì càng nên giảm thuế để giữ ổn định nền kinh tế.

Nhiều ý kiến kiến nghị việc tăng thu cho ngân sách nên thực hiện dựa vào các biện pháp nâng cao tỷ lệ tuân thủ, chống thất thu và chống buôn lậu, như vậy mới có cơ sở để giảm bớt tỷ lệ và các khoản thuế, phí. Ý kiến của ông ra sao?

- Tỷ lệ thuế là bao nhiêu, thuế thu các khoản nào để đảm bảo hợp lý, kích thích sản xuất, tiêu dùng và phát triển xã hội là rất quan trọng. Bởi, nếu thu thuế cao sẽ chẳng ai làm gì cả.

Sau khi so sánh các khoản thuế, phí mà các doanh nghiệp và người dân phải đóng, báo cáo đưa ra kết luận thuế và phí cao khiến doanh nghiệp không tích lũy, chuyển giá, trốn thuế… gây ra rất nhiều hậu quả. Theo ông chúng ta có cần phải cải cách thuế, phí mạnh mẽ hơn hay không?

- Tôi cho rằng việc cải tiến chế độ thuế, phí hay nói cách khác là cải tiến chế độ thu chi ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả là rất cần thiết. Tuy nhiên, một việc cũng cần phải làm triệt để đó là phải công khai, minh bạch các khoản chi tiêu của Chính phủ.

Ở nhiều nước, Chính phủ phải thường xuyên công khai các khoản chi tiêu, chẳng hạn ngay như cả việc mua vé máy bay cho thủ tướng đi họp hết bao nhiêu tiền cũng phải công khai để có cơ quan giám sát.

Xin cảm ơn ông!
 


Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn