Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế: Đánh giá thẳng thắn, cụ thể

Thứ tư, 05/09/2012, 10:09
Trao đổi với báo chí về báo cáo kinh tế vĩ mô 2012, ông Nguyễn Trí Dũng - đồng chủ biên báo cáo - khẳng định báo cáo được xây dựng trên cơ sở độc lập, có bằng chứng và căn cứ rõ ràng.

>> Người Việt "oằn vai" gánh nặng thuế phí
>> Cần công khai các khoản chi tiêu của Chính phủ
>> Cả nước có 63 nền kinh tế!
>> "Lợi ích nhóm" và cải cách thể chế
 

Ông Nguyễn Trí Dũng nhận định:

- Tại VN, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng hiện nay các báo cáo, số liệu phục vụ đại biểu Quốc hội chủ yếu từ Chính phủ trình sang. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng tự đánh giá mình chưa có đủ thông tin để thực hiện giám sát các hoạt động của Chính phủ.

Chúng tôi thực hiện báo cáo với mục đích trước hết là cung cấp cho đại biểu Quốc hội đầy đủ những thông tin, luận cứ cụ thể về tình hình kinh tế đất nước để họ thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế.
 



Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
 

* Báo cáo năm 2012 đưa ra nhiều nhận định khá mạnh như lạm phát, bất ổn vĩ mô một phần lớn do cách điều hành? Đâu là cơ sở của những nhận định đó?
 

"Tôi hi vọng với những thông tin khách quan của báo cáo kinh tế vĩ mô 2012, các đại biểu Quốc hội sẽ quyết định mức thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh... phù hợp, đúng với nguyện vọng nhân dân"

Ông Nguyễn Trí Dũng

- Hiện VN có nhiều nơi đã thực hiện các báo cáo kinh tế, nhưng đa số mang tính học thuật, phù hợp hơn với công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Báo cáo do Ủy ban Kinh tế chủ trương viết theo cách thân thiện hơn với các đại biểu Quốc hội, vì không phải đại biểu nào cũng chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế.

Khi thực hiện báo cáo, tuy các chuyên gia có sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại, các mô hình kinh tế lượng nhưng khi thể hiện, chúng tôi chỉ đưa ra các kết quả cụ thể như những bằng chứng cho những luận điểm đưa ra. Nhưng các kết quả đó không phải nhận định chủ quan, mà có bằng chứng rất rõ ràng.

Ví dụ lạm phát do điều hành, báo cáo nêu rõ về nguyên lý nếu các khoản chi tiêu Chính phủ không được tài trợ bởi tiền thuế hoặc các khoản thu khác, mà được tài trợ bằng cách làm tăng cung tiền thì chắc chắn nền kinh tế sẽ phải trải qua lạm phát cao.

Ở VN, khi chi tiêu vượt qua khả năng thu ngân sách thì thâm hụt được bổ sung phần lớn bởi vay nợ qua phát hành trái phiếu chính phủ, thậm chí là ứng trước ngân sách, đây cũng là một hình thức... in tiền để chi tiêu.

* Báo cáo nhận định bất ổn vĩ mô cuối năm 2011 và đầu năm 2012 một phần lớn vì Chính phủ “thắt” tín dụng quá chặt và năng lực ứng phó bất ổn vĩ mô của Chính phủ hiện nay còn yếu...

- Báo cáo cho rằng cuối năm 2011, việc Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt đột ngột đã khiến khu vực tài chính căng thẳng. Tác giả đoạn này thẳng thắn nhận định nguyên nhân chính của những bất ổn là các nhà điều hành “phanh gấp”, cung tiền để kiềm chế lạm phát. Nếu việc “phanh” được tiến hành nhịp nhàng và tinh tế hơn, có thể lạm phát cả năm sẽ diễn ra như chúng ta đã thấy.

Đánh giá điều hành, báo cáo cũng thẳng thắn cho rằng năng lực ứng phó của Chính phủ khi xuất hiện những rủi ro vĩ mô, theo các chuyên gia nghiên cứu, được cho là còn một số vấn đề. Các chính sách ứng phó thường chưa kịp thời, không nhất quán theo thời gian và phối hợp chính sách còn hạn chế, làm suy giảm hiệu lực của các chính sách đưa ra.

* Vấn đề thuế, phí cao cũng được coi là quan trọng, từng có nhiều tranh luận và được báo cáo dành một phần không nhỏ để phản ánh. Mục tiêu có phải để thay đổi chính sách?

- Trong kỳ họp tháng 10-2012, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Hiện xã hội có nhiều vấn đề mà người dân, báo chí nêu nhưng chưa có những minh chứng cụ thể, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhưng rất khó nói vì không có đủ thông tin.

Vấn đề thuế, phí là một ví dụ, nhiều chuyên gia thời gian qua nói là mức thu ở VN cao, hay có đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân.

Tác giả của phần này đã nghiên cứu so sánh mức thu thuế, huy động vào ngân sách trên GDP của VN với một số nước, qua đó thấy đúng là thuế của chúng ta đang cao hơn một số nước. Điều đó sẽ giúp các đại biểu Quốc hội có căn cứ và nhiều thông tin hơn trong việc quyết định sửa Luật thuế thu nhập cá nhân trong kỳ họp tháng 10-2012 tới...

* Sau khi công bố báo cáo năm 2012, bước tiếp theo của nhóm thực hiện báo cáo là gì?

- Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên do nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện chỉ mang tính tham khảo, không phải là một tài liệu chính thức của Ủy ban Kinh tế. Ngày 4-9, chúng tôi đã gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan khác.

Báo cáo có phân tích và kiến nghị rất cụ thể. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia coi đây là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình thảo luận và quyết định chính sách.

Báo cáo kinh tế vĩ mô chúng tôi tiếp cận theo vấn đề kinh tế nổi bật trong năm (issue-based) chứ không đánh giá theo khía cạnh từng chính sách một (policy-based) nhưng với một vấn đề đó có thể có nhiều chính sách liên quan được đề cập, nên các đại biểu Quốc hội vẫn có cái nhìn toàn cảnh về thành tựu và hạn chế quan trọng của nền kinh tế.

Những vấn đề lớn mà báo cáo nêu, theo tôi, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của VN, nên cần được phân tích đa chiều để đánh giá đúng, tránh những bất ổn lặp lại.
 

Cần thể chế độc lập chống tham nhũng

Sau khi phân tích, báo cáo của Ủy ban Kinh tế kiến nghị cần thay đổi tư duy. Một số nhóm lợi ích đã lợi dụng tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” khiến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh bình đẳng.

Theo báo cáo, cần thay đổi để tránh dẫn đến sự lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp không nhờ tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng năng suất mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, mỏ, biển...

Báo cáo cảnh báo hiện tại nhóm lợi ích ở VN có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền. Lợi dụng tính thiếu công khai minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ cá nhân” mà chất kết dính là tiền bạc.

Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh. Hệ quả là nguồn lực của nền kinh tế không được phân bổ hiệu quả, bị bóp méo để phục vụ các nhóm lợi ích khác nhau.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề nghị việc cải cách thể chế, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch... để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn, góp phần vào thành công của tái cơ cấu nền kinh tế.

Về cải cách thể chế, báo cáo cũng kiến nghị mạnh mẽ: cần thiết kế cơ chế giám sát ở tất cả các cấp, các cơ quan đều phải được giám sát chặt bởi một hay nhiều thể chế độc lập. Cần lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ, hoạt động theo luật pháp dưới sự giám sát của Quốc hội, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong lĩnh vực chống tham nhũng.

 


Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn