>> "Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường
>> "Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường - Kỳ 2: Những “chiêu thức” mập mờ
>> Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank?
>> Trò chơi thanh khoản: lộ diện nhóm lợi ích ngân hàng
Bí ẩn vốn tăng
Với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, NHNN quy định, tới cuối năm 2010, các NH thương mại (NHTM) phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Áp lực tăng vốn là cực kỳ khó khăn bởi các NH chủ yếu huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, các quỹ đầu tư...
Nhưng chứng khoán suốt từ năm 2008 đến nay rơi vào tình trạng sụt giảm nên việc tăng vốn rơi vào bế tắc.
Đó cũng chính là lý do Chính phủ gia hạn thời gian tăng vốn đến cuối năm 2011. Nhưng chứng khoán năm 2011 còn sụt giảm mạnh hơn, đặc biệt là tình trạng mất thanh khoản kéo dài nên việc phát hành thêm, niêm yết hay kêu gọi sự tham gia của cổ đông chiến lược trong và ngoài nước càng khó.
Vậy mà, các NH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng. Chưa kể nhiều NH lớn, dù không nằm trong nhóm phải chạy đua tăng vốn theo quy định cũng liên tục công bố tăng vốn thêm từ một ngàn tới vài ngàn tỉ.
Các NH hoàn toàn có thể tận dụng tối đa sở hữu chéo để thực hiện việc tăng vốn trong thời điểm thị trường tài chính cực kỳ khó khăn.
Minh họa: DAD
Ma trận này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống kê với 6 loại hình. Đó là sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài; cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM; cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ; sở hữu của NHTM ngoài nhà nước tại các NHTM cổ phần; sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần; sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.
Với sở hữu chéo này, các NH có thể "lách" thông qua việc vay vốn từ NH này góp cho NH kia và ngược lại. Như vậy, cả 2 NH liên quan đều báo cáo tăng vốn, các ông chủ NH cũng tăng sở hữu nhưng thực chất là tăng ảo. Nhiều trường hợp lại tăng vốn qua trung gian.
Cụ thể, một công ty đầu tư tài chính là cổ đông lớn của 2 NH. NH này ủy thác cho vay một nguồn vốn vào NH kia qua công ty đầu tư. NH được vay nghiễm nhiên vượt ải tăng vốn còn NH cho vay được tính là tăng trưởng tín dụng dù vốn không hề đưa vào sản xuất.
Như vậy, số vốn thực tế giữa 2 NH vẫn giữ nguyên nhưng thể hiện trên sổ sách đã tăng lên. Quy định an toàn vốn bị vô hiệu hóa. Điều này càng được minh chứng khi trong thời gian các NH phải tăng vốn cũng là thời gian các công ty đầu tư và vốn ủy thác tăng vọt theo. Cộng thêm sở hữu chéo chằng chịt, 1 NH là cổ đông của 4-5 NH khác như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì rõ ràng, phần vốn ảo là rất lớn.
Thâu tóm bằng… vốn ảo
Rào cản lớn nhất trong thâu tóm NH tại Việt Nam cũng như trên thế giới là quy mô vốn quá lớn. Nhưng bằng sở hữu chéo, tỷ lệ margin (ký quỹ) cao và lỗ hổng trong quản lý, một cá nhân, một nhóm lợi ích có thể biến số vốn nhỏ ban đầu phình lên gấp nhiều lần, đủ để thâu tóm NH.
Cụ thể, cùng quản lý danh mục nhưng công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán không được mang cổ phiếu (CP) đi cầm cố thì các công ty sản xuất kinh doanh, công ty đầu tư tài chính lại thoải mái làm việc này. Đây chính là cánh tay nối dài cho dòng vốn ảo vươn ra thực hiện các vụ thâu tóm.
Cách làm được phác họa như sau: công ty đầu tư tài chính có vốn 500 tỉ đồng đi mua 50% cổ phần công ty A rồi mang số CP này đi thế chấp được 450 tỉ đồng. Mang 450 tỉ đồng mua cổ phần công ty B. Nếu 450 tỉ đồng không đủ, sẽ kêu thêm công ty A tham gia để mua ít nhất từ 50% cổ phần và chi phối công ty B. Cầm CP của B đi thế chấp, lấy 400 tỉ đồng để mua công ty C. Tiền không đủ thì kêu A, B tham gia mua vì cả hai công ty này đã bị chi phối. Rồi lại thế chấp lấy 300 tỉ đồng và kêu A, B, C cùng hợp lực thâu tóm NH.
Nghĩa là sử dụng tổng lực tài chính của các công ty vệ tinh để thâu tóm NH nhưng thực chất, vẫn chỉ là một cổ đông lớn. Nói ngắn gọn là mua cổ phần chi phối ở một số công ty, sau đó kiểm soát dòng tiền của các công ty này và hợp vốn lại để thâu tóm NH. Khi đã thâu tóm xong, sẽ lấy tiền từ NH rót cho các công ty con của mình.
Đó là chưa kể, số vốn ảo này còn được "phình" to khi được sử dụng thông qua công ty chứng khoán với tỷ lệ margin lên tới 90% cho khách VIP. Nghĩa là có 1 đồng, được sử dụng 10 đồng để mua CP.
Đầu tư chéo và lỗ hổng về quản lý (các công ty đầu tư tài chính hiện không bị quản lý bởi bất cứ luật chuyên ngành nào - Thanh Niên đã phân tích trong bài Bí ẩn khoản phải thu khác) đã khiến số vốn 1.000 tỉ đồng ban đầu như ví dụ đã phình ra gấp nhiều lần, đủ để thực hiện việc thâu tóm NH.
Có một đồng vốn, người ta có thể đẩy lên hàng trăm đồng khác, tạo ra ma trận vốn ảo. Trên cơ sở hệ số nhân đó, rồi nhân tiếp lên bằng mối quan hệ thân thiết với NH cầm cố, họ đã đẩy vốn tăng lên rất nhiều lần nhằm mục đích thao túng những ngành nghề mà trên thế giới khó có cá nhân nào có thể đủ tiền để gom. Đó là ngành tài chính NH.
Trong thực tế đã diễn ra các “chiêu thức” dùng vốn ảo để thâu tóm sau đó rút vốn thật từ NH đầu tư cho sân sau; vốn ảo từ sở hữu chéo, vốn ảo từ sử dụng tỷ lệ margin, từ quan hệ... Đã đến lúc phải tách bạch rõ ràng những điều này để biết sức khỏe thật sự của các NH. Cắt sở hữu chéo là điều không thể né tránh trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH mà Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thực hiện.
Theo Thanh Niên