Lưu hành xe tuk tuk: Nặng về ý tưởng kinh doanh

Thứ ba, 11/09/2012, 13:50
Xe tuk tuk và xe lam không khác nhau, đồng thời cho rằng đề xuất nhập và cho lưu hành xe tuk tuk là không phù hợp.
Đề xuất nhập và cho lưu hành xe túc túc (tuk tuk) ở Hà Nội để hạn chế xe máy được xem là không làm phương hại tới tình hình giao thông, nhưng giới chuyên môn cho rằng ý tưởng này nặng về kinh doanh hơn là giải quyết yếu tố phương tiện.
 
Sẽ "bùng nổ" cuộc cạnh tranh với xe ôm
 
Ngay sau khi Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất ý tưởng cho nhập và lưu hành xe tuk tuk nhằm hạn chế người dân sử dụng xe máy lưu thông trong nội đô, đã có rất nhiều người tỏ ra không đồng tình, thậm chí cho rằng đây là một “tối kiến”.
 
Cũng phải nói thêm rằng, với đề xuất này, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép xe tuk tuk lưu hành trên các tuyến đường ở quận, huyện, tiếp nối với các nhà chờ xe buýt và không được lưu hành trên quốc lộ. Ở đây, xe tuk tuk sẽ đóng vai trò là phương tiện “gom” khách từ tuyến đường ven đô về các bến xe buýt để di chuyển vào nội thành và đón tiễn từ các điểm xe buýt ra ngoại thành.
 
Trong bối cảnh giao thông hiện nay, vẫn chưa có thống kê nào về số lượng xe máy từ ngoại thành vào nội đô, cũng chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra xe máy từ ngoại thành di chuyển vào trung tâm thành phố là “tội đồ” uy hiếp tình hình giao thông. Trên thực tế, các tuyến đường ở khu vực quận, huyện và liên xã vẫn thừa năng lực lưu thông cho phương tiện.
 
Xe tuk tuk được sử dụng khá phổ biến ở một số nước Đông Nam Á, nhưng ở Việt Nam phương tiện này không thể thay thế được xe máy.

PGS TS. Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội - cho biết: “Về bản chất, xe tuk tuk mà các nước trong khu vực đang sử dụng và xe lam ở Việt Nam là một. Ở góc độ giao thông, việc sử dụng loại phương tiện này không gây ảnh hưởng gì, nhưng một khía cạnh khác trong ý tưởng này là nặng về việc kinh doanh hơn là vấn đề phương tiện”.
 
Theo ông Toản, nếu như người dân ở khu vực quận, huyện, liên xã thực sự có nhu cầu đi xe buýt mà quãng đường ra điểm chờ tương đối xa thì cái được của xe tuk tuk là sự đưa đón thuận tiện và an toàn. Nhưng, cái mà tuk tuk không giải quyết được là vấn đề hàng hóa hành khách mang theo.
 
“Hiện tại, khi đi xe buýt hành khách bị cấm mang theo hàng hóa và hàng cồng kềnh, đó cũng chính là lí do khiến nhiều người chọn sự tiện lợi của xe máy, họ đi xe máy và có thể chở theo hàng tới bất kỳ địa điểm nào. Trong khi đó, mục tiêu của tuk tuk là gom và đón tiễn hành khách đến các điểm chờ để đi xe buýt, vậy khi đó hàng hóa của hành khách mang theo sẽ được xử lý như thế nào? Và khi mục tiêu hàng hóa lên xe buýt không giải quyết được thì tuk tuk không thể bằng xe ôm” - ông Toản phân tích.
 
Cũng theo lý giải của ông Toản, giá xe ôm ở khu vực huyện - xã giá rẻ, xe ôm có thể chuyên chở đa dạng về số lượng khách, loại xe này cũng có thể chạy được nhiều chuyến hàng hóa liên tục nếu khách có nhu cầu... Vì vậy, tuk tuk sẽ rất khó để cạnh tranh với xe ôm.
 
Tuk tuk không thể thay thế xe máy
 
Nhiều người nêu câu hỏi: lưu hành xe tuk tuk thay thế xe máy thì cái lợi người dân được hưởng là gì? Xe tuk tuk có thực sự cần thiết và đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân? Đưa tuk tuk vào hoạt động liệu có cổ súy cho phương tiện 3-4 bánh tự chế đang bị cấm vì không đảm bảo an toàn?
 
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia độc lập có nhiều năm nghiên cứu về giao thông tại Tiệp Khắc, nguyên chuyên viên Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - xe tuk tuk và xe lam không khác nhau, đồng thời cho rằng đề xuất nhập và cho lưu hành xe tuk tuk là không phù hợp.
 
“Xe tuk tuk có những ưu điểm nổi bật như vận chuyển chở khách và chở hàng hóa đi chợ, có thế mạnh ở khu vực đường nông thôn rộng rãi và chi phí không cao. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan ban ngành mất nhiều năm nỗ lực cấm xe lam, xe 3-4 tự chế, xe công nông để đảm bảo an toàn giao thông mà vẫn chưa đi đến đâu thì việc đề xuất cho nhập và lưu hành xe tuk tuk là đi ngược lại với chủ trương này, là “tạo đà” cho loại phương tiện này “tát nước theo mưa.” - ông Thủy cho hay.
 
Cũng theo ông Thủy, lý luận của Hiệp hội Vận tải cho lưu hành xe tuk tuk để hạn chế xe máy đi vào nội thành nhằm góp phần vào các chuỗi hạn chế xe cá nhân chỉ là cách nói hình thức và không khả thi.
 
“Số lượng xe máy từ khu vực ngoại thành đi vào nội thành không đủ lớn để trở thành thủ phạm góp phần gây ùn tắc. Và thực tế, khi xe máy đã phát triển như hiện nay rồi thì không thể hạn chế được nữa, nếu muốn giảm xe máy phải có lộ trình dài hơi. Ở Việt Nam, xe tuk tuk không bao giờ thay thế được xe máy. Thực chất ý tưởng vừa nêu ra thiên về hướng kinh doanh của Hiệp hội Vận tải chứ không giải quyết yếu tố phương tiện” - ông Thủy khẳng định.
 
Ông Thủy cũng nhìn nhận, nếu trường hợp cần thiết phải cho lưu hành xe tuk tuk thì Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sản xuất mới, việc nhập khẩu không nên lạm dụng vì sẽ gây thất thoát ngoại tệ.
 
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định đề xuất này không mâu thuẫn với nỗ lực loại bỏ xe 3 - 4 bánh tự chế hiện nay.

Theo ông Liên, các loại xe đang lưu thông chủ yếu là xe tự chế nên không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và đặc biệt là không kiểm soát được dẫn đến chở hàng cồng kềnh, vi phạm giao thông.

Còn đề xuất của Hiệp hội nếu được Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội chấp thuận thì xe tuk tuk mới sẽ được nhập khẩu về, xe đảm bảo chất lượng và được quản lý chặt chẽ, phương tiện này sẽ giúp cho người dân ngoại thành và các vùng nông thôn đi lại tiện lợi hơn.

 
“Chi phí đầu tư xe túc túc hiện nay tiêu tốn khoảng 50 - 60 triệu đồng/xe. Chi phí vận chuyển đi lại theo tính toán chỉ khoảng từ 3.000 - 10.000 đồng/lượt (tùy theo quãng đường), mức chi phí này rất phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân ở nông thôn” - ông Liên cho hay.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích