Lo đồng tiền quá sức

Thứ hai, 17/09/2012, 08:58
Trong bộ phim nổi tiếng “Wall Street: Money never sleeps” (“Phố Wall, nơi đồng tiền không ngủ”) của đạo diễn Oliver Stone, nhân vật chính Gordon Gekko có một lời thoại thú vị, rằng: “Đồng tiền giống như một ả đàn bà nhõng nhẹo và không bao giờ ngủ. Nếu không quan tâm đến nó thì đến một ngày khi thức dậy, nó sẽ biến mất”.

>> Đồng loạt tăng lãi suất huy động vàng
>> “Banker” Trần Mộng Hùng trước những câu hỏi nóng về ACB
>> Thị trường liên ngân hàng: Ai đang vay ai bao nhiêu?
>> NHNN cần xử lý nhanh chóng và quyết liệt các ngân hàng yếu kém

Với nhiều người, “đồng tiền không ngủ”  và lời thoại ấy trở thành một châm ngôn ưa thích và áp lực. Đồng tiền luôn vận động để sinh lời, nhưng cũng chính vận động quá nhiều và có những vận động khó kiểm soát dễ dẫn đến tổn thất.

Ngược lại, đồng tiền bị gánh thêm nhiều việc và trở nên quá sức là điều đáng ngại.

Sự khác thường của lãi suất

Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, thị  trường đón nhận hai tín hiệu mới: lãi suất huy động vàng đột ngột tăng mạnh; “ông lớn” bất ngờ sở hữu mức lãi suất huy động VND cao nhất trên biểu niêm yết trong hệ thống. Cả hai đều khác thường.

 
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lượng tiền gửi bị rút trước hạn của hệ thống ngân hàng đã liên tục tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011.

Lần đầu tiên sau 5 lần giảm liên tiếp từ tháng 4/2012, lãi suất huy động vàng tăng trở  lại. Mức tăng cũng đột ngột, từ 0,5% - 0,8%/năm một bước lên 1,6%/năm. Diễn biến này có tại Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Lãi suất tăng đột ngột như vậy có phải là nỗ lực để kê thanh khoản bị hổng từ vàng?

Ở đây có một mối liên hệ mang tính sự kiện để tham khảo. Sự cố ACB gặp phải vừa qua, với hiện tượng người dân rút tiền và vàng trước hạn, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn thừa nhận tại thời điểm đó gặp khó khăn thanh khoản về vàng, mà giải pháp là chuyển qua tiền mặt.

Do bỏ trứng vào nhiều giỏ, có những trường hợp khi khó rút vàng ở ACB trong sự cố đó, tâm lý bất an và lây lan, họ chuyển qua rút cả ở “giỏ” khác. Cộng hưởng ngẫu nhiên là những quyết định rút trước hạn để bán tranh thủ giá vàng tăng cao, thanh khoản vàng khó khăn ở một số nhà băng là giả thiết đặt ra và buộc phải bù đắp bằng nâng mạnh lãi suất huy động.

Với diễn biến lãi suất huy động VND, khác thường ở chỗ lâu nay các “ông lớn”  như ACB, Eximbank đều áp thấp hơn hẳn so với nhiều ngân hàng cổ phần khác trên biểu niêm yết. Lần  điều chỉnh ngày 11/9 vừa qua của ACB với 13%/năm là hiếm có, ít khi họ chủ động “đi đầu” như vậy. ACB cũng chính là ngân hàng đầu tiên nâng lãi suất vàng trong diễn biến nói trên.

Không loại trừ mục đích ACB phải tăng cạnh tranh huy động VND để bù đắp, gia cố lại nguồn lực sau ảnh hưởng từ sự cố vừa qua.

Rủi ro từ rút tiền trước hạn

Hai diễn biến của lãi suất huy động vàng và VND vừa đều có bóng dáng ảnh hưởng của hoạt động rút tiền gửi trước hạn - điều luôn ám ảnh các nhà băng, bởi nó có thể đẩy đồng vốn rơi vào tình thế quá sức.

Như một công xưởng, mỗi công nhân đều gắn với công việc, ca kíp đã phân định. Một sự lệch ca hay thiếu vắng nhân công đột ngột có thể làm đứt gãy quy trình sản xuất. Trong tình huống kiểm soát được, những công nhân có mặt buộc phải làm thêm việc, thay ca của những người nghỉ. Ở mức độ lớn, họ quá tải là dễ hiểu.

Trong tình huống của ACB vừa qua, nói về khả năng chi trả ngày 22/8, ông Đỗ Minh Toàn có nêu chi tiết đáng chú ý: 20 triệu USD “đang trên đường về”. Thông tin này hàm ý rằng, mỗi đồng vốn của ngân hàng đều đã được bố trí các công việc khác nhau, ở những nơi khác nhau.

Theo đó, đáp ứng yêu cầu rút tiền trước hạn là khó, vì hợp đồng bị phá vỡ đột ngột, gây mất cân đối trong sử dụng vốn chứ không hẳn ngân hàng đang khó khăn thanh khoản.

Tại ACB, trong sự cố trên, ngân hàng đã phải điều động nguồn vốn đang làm nhiệm vụ khác, ở nơi khác về để chống đỡ cho những sự ra đi đột ngột.

Một nguồn đáng lẽ để giải ngân các khoản tín dụng lớn đã buộc phải tạm ngừng, 36.000 tỷ đồng làm việc trên thị trường 2 bị điều về thị trường 1, phải vay thêm Ngân hàng Nhà nước 10.000 tỷ đồng dự phòng cho khả năng quá sức của lượng tiền mặt sẵn có…

Trường hợp của ACB là cá biệt và bất thường. Thực tế đáng ngại hơn là hoạt động rút tiền gửi trước hạn nói chung đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, quy mô gia tăng mạnh.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lượng tiền gửi bị rút trước hạn của hệ thống ngân hàng đã liên tục tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011.

Nếu cuối năm 2009 quy mô chỉ hơn 500 nghìn tỷ đồng, thì cuối 2010 đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng; và đến 31/12/2011 đã vọt lên gần 2,7 triệu tỷ đồng. Cũng lưu ý rằng, đây là doanh số tiền gửi rút trước hạn, khác với số dư tiền gửi bị rút trước hạn.

Sự gia tăng mạnh cùng quy mô lớn như trên góp phần giải thích vì sao thanh khoản hệ thống căng thẳng cuối năm 2011 đầu 2012.

Phân tích trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế chủ trì mới đây cho rằng, nguyên nhân là do mất cân đối cho vay/huy động khiến một số tổ chức tín dụng trong nhóm yếu kém buộc phải đưa ra các biện pháp cạnh tranh thu hút vốn quyết liệt bằng lãi suất để hút tiền gửi, kích thích hoạt động rút tiền trước hạn và vốn chạy quẩn trong hệ thống.

Tiếc rằng, theo tìm hiểu của PV, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có thống kê cho chỉ tiêu này để tham khảo và cập nhật thêm. Nhưng nay lãi suất của hệ thống đã tương đối ổn định, những xáo trộn và bất ổn trước đây cơ bản đã được xử lý, cân đối cho vay/huy động đã cải thiện nhanh. Quy mô tiền gửi bị rút trước hạn theo đó có thể đã được hạn chế đáng kể.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn