“Chán” là tập đoàn

Thứ năm, 13/09/2012, 17:29
Nghị định số 102/2010/NĐ-CP quy định, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp... Vậy vì sao chỉ một cái tên thay đổi lại được “thích” đến vậy? “Bởi vì, họ được nhiều quyền lợi hơn, lợi ích nhiều hơn, bao gồm tất cả các quyền, lợi ích về kinh doanh như tiếp cận đất đai, vốn…", TS. Nguyễn Đình Cung nhận định. 

>> Yêu cầu kiểm toán Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu 
>> Chính phủ: Sẽ chỉ còn 5-7 tập đoàn kinh tế
>> Kiến nghị tạm dừng thành lập tập đoàn nhà nước, kỷ luật 9.960 cán bộ
>> Tập đoàn kinh tế Nhà nước - những lát cắt thời sự

Thích là tập đoàn vì… lợi ích

Ngày 5/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam xác nhận chính thức với báo giới, Chính phủ đang xem xét đề xuất dừng thí điểm hai Tập đoàn là Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (Sông Đà) và Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD Holdings). 

Ngay trước thời điểm hai tập đoàn này được thành lập vào tháng 1/2010, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần dừng việc phát triển thêm các tập đoàn mới để đánh giá lại mô hình thí điểm, nhưng đã không được xem xét. Cho nên, với đề xuất lần này, câu hỏi đáng quan tâm nhất là vì sao thích, tại sao chán là tập đoàn.

“Tổng công ty thì là tổng công ty chứ làm gì có tổng công ty 90, tổng công ty 91. Nhưng điều này đã đi vào tiềm thức của chúng ta, là lý do cho một cuộc chạy đua. Theo trình tự sắp xếp như thế thì được hiểu là tập đoàn lớn hơn tổng công ty, còn tổng công ty lớn hơn công ty…”, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp mới nhất được Thủ tướng cho phép hoạt động thí điểm theo mô hình tập đoàn, từng nói vậy.

Theo ông, không phải thành tập đoàn để khẳng định độ lớn của mình, mà do vấn đề quản trị của nó. “Cái áo tổng công ty đã quá chật”, ông nói.




Hầu hết các tập đoàn quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, đầu tư dàn trải, chưa chú trọng
đầu tư theo chiều sâu nên hiệu quả đầu tư thấp.

 

Nhưng theo Luật Doanh nghiệp 2005, tập đoàn kinh tế chỉ đơn thuần là nhóm công ty có quy mô lớn. Trong khi đó, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP thì quy định, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp... Vậy vì sao chỉ một cái tên thay đổi lại được “thích” đến vậy?

Một mô hình tổ chức không có tư cách pháp nhân, không được thực hiện các giao dịch trực tiếp với bên ngoài như vậy lại là “cái áo” rộng hơn cho các tổng công ty? Thậm chí mô hình tập đoàn đối với nhiều doanh nghiệp con, cháu chỉ làm tăng thêm cấp phải báo cáo, phụ thuộc... nhưng chẳng được hỗ trợ gì. Vậy vì sao họ thích là tập đoàn?


“Bởi vì, họ được nhiều quyền lợi hơn, lợi ích nhiều hơn, bao gồm tất cả các quyền, lợi ích về kinh doanh như tiếp cận đất đai, vốn… Chiếm vị thế của một ngành nên họ có khả năng thâu tóm hết quyền lợi kinh doanh của ngành. Họ cũng có vị thế để tiếp cận các nhà hoạch định chính sách…”, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận.

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo thêm, tư duy kinh tế Nhà nước là chủ đạo cũng đang bị các nhóm lợi ích tận dụng triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có liên quan.

“Đây là miếng đất màu mỡ để tạo ra các mối quan hệ vây quanh các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nảy nở và phát triển”, ông cho hay.


Khó “kiếm chác” nên chán

Nhưng trường hợp của Sông Đà và HUD là khác biệt. Trong tổng số 13 tập đoàn đã được thí điểm thành lập cho đến thời điểm này, đây là hai đơn vị duy nhất được hình thành từ việc quy tụ nhiều tổng công ty cùng ngành nghề và có liên quan đến nhau. Nhưng, tách thì dễ, nhập thì khó vốn là câu chuyện lâu nay của Việt Nam.

Các mối nối lỏng lẻo ở mô hình hai tập đoàn này khiến cho sự hỗ trợ, can thiệp vào công việc của nhau rất hạn chế. Hay nói cách khác, những khó khăn của doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn không có liên quan gì đến đơn vị khác, thậm chí là chủ quản của doanh nghiệp.


Trường hợp đã được báo chí nhắc nhiều trong thời gian qua là câu chuyện “chối” trách nhiệm với doanh nghiệp con, cháu của Sông Đà. Cuối quý III/2010, Tập đoàn này nhận bàn giao quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA).

Tuy nhiên, đến tháng 8/2011, Tập đoàn này đã “từ chối” trách nhiệm với COMA trong việc góp vốn theo cam kết vào Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành. Do đây là dự án được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài, lập tức “quả bóng trách nhiệm” đã được đẩy sang cho Nhà nước và ngân sách đã phải chi trả khoản nợ đến hạn cho Đồng Bành.


Nhưng, câu hỏi về hiệu quả kinh tế không chỉ đặt ra với Sông Đà mà còn có Tập đoàn Điện lực (EVN) và nhiều đơn vị khác. Với EVN, hàng chục nghìn tỷ đồng thua lỗ đã được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ xác nhận.

Khoản nợ của doanh nghiệp này cũng kéo theo nhiều khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí (Petrolimex), Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin), Sông Đà... Chỉ trong mấy năm gần đây, nhiều lãnh đạo cấp cao của Vinashin, Vinalines, EVN... đã bị kỷ luật, thậm chí bắt giam do những sai phạm liên quan đến quản lý tại doanh nghiệp.


“Thực tế cho thấy tình trạng kém hiệu quả, lãng phí, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là nguyên nhân dẫn đến đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, nợ công tăng lên, các tập đoàn độc quyền tăng giá không kiểm soát được, chi phí xây cầu, đường cao tốc cao quá mức so với thế giới, chưa dùng đã hỏng, làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo và nhấn thêm:

“Dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh, các khoản nợ của DNNN nếu không được sử dụng một cách hiệu quả sẽ rơi vào gánh nặng thuế phí đối với người dân”.


Chính phủ có lẽ cũng đã nhận thấy những vấn đề bất cập trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế hiện nay. Khả năng “kìm” lại việc hình thành các tập đoàn mới đang được tính đến. Ông Vũ Đức Đam cho biết, trong định hướng tái cấu trúc DNNN sắp tới, Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn với số ít, khoảng 5-7 tập đoàn, còn lại giao trách nhiệm chủ quản cho các bộ.

“Thủ tướng, các bộ trưởng và chủ tịch HĐQT các tập đoàn sẽ được phân công trách nhiệm rạch ròi, không chỉ liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh mà cả các vấn đề an sinh xã hội…”, ông Đam cho hay.



Các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã nhận được sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ với kỳ vọng đưa chúng trở thành những mũi nhọn của nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhiều tập đoàn lại nhanh chóng phát triển thành mạng lưới chằng chịt hàng trăm các tổng công ty, công ty con và công ty liên doanh và liên kết.

Các tập đoàn này thực hiện đầu tư dàn trải vào các ngành nghề kinh doanh không phải thế mạnh của mình, bao gồm từ đầu tư tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản, xây dựng, thương mại, khu nghỉ dưỡng…

TS. Lê Đăng Doanh
 

Một trong các thước đo mức độ đóng góp vào vai trò chủ đạo là tỷ trọng chi phối của các tập đoàn, tổng công ty trong các ngành kinh tế quan trọng của đất nước; và để đạt được điều đó, thì chính sách có liên quan của Nhà nước phải hỗ trợ, tạo điều kiện để đạt được mục đích đó, bất chấp các hệ quả phát sinh từ thực trạng nói trên.


TS. Nguyễn Đình Cung

 

Theo TBNH

Các tin cũ hơn