Đừng để vì thuế, người trung bình trở thành người nghèo

Thứ năm, 13/09/2012, 07:50
Vì mức giảm trừ quá thấp, cho nên, sau khi đóng thuế, những người có thu nhập trung bình trở thành người có thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế. Và đây là điều khó có thể chấp nhận - GS Nguyễn Lang - Hội đồng Tư vấn kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam trao đổi với báo chí.

"Hiện nay, mức lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên rất thấp nên tôi cho rằng khoản miễn trừ phải được tăng lên. Đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý hơn so với đề xuất của Uỷ ban TC-NS, với lý do giảm thuế cho người có thu nhập ở bậc 1 là ảnh hưởng đến thu ngân sách.
 



Ảnh Hoàng Hà.

Trong khi đó, UB TS-NS chưa thấy thực tế việc chi ngân sách hiện đang rất lãng phí và kém hiệu quả. Chẳng hạn như việc mua sắm và sử dụng xe ôtô công, hệ số ICOR ngày càng tăng. Điều đó cho thấy nếu chúng ta sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm và có hiệu quả cao hơn thì việc giảm thu không có gì ảnh hưởng, trong khi an sinh xã hội được bảo đảm".

Trước câu hỏi từ năm 2007 đến nay, mức lạm phát cộng dồn ở VN đã khiến VND mất giá tới 70%, trong khi phải đến tháng 7.2013, Luật thuế TNCN sửa đổi mới có hiệu lực, liệu có công bằng với người dân, GS Nguyễn Lang nhận xét:

"Đến thời điểm này chúng ta mới xử lý vấn đề như vậy là quá chậm chứ chưa nói đến chuyện lại kéo đến 7.2013 mới áp dụng. Đáng lý chúng ta phải sửa ngay và áp dụng ngay. Hiện nay với mức 4 triệu đồng/người/ tháng mới chỉ coi là tạm đủ cho người đó, đáng lẽ Chính phủ phải “bù” cho họ bằng cách nâng ngay mức giảm trừ lên cao hơn nữa.

Thuế TNCN, thực chất là thuế đánh vào người có thu nhập cao, vì đại đa số người lao động ở ngay TP.Hà Nội và TPHCM đều có thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì mức giảm trừ quá thấp, cho nên, sau khi đóng thuế, họ từ người có thu nhập trung bình trở thành người có thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế. Về bản chất, vì thế, không thể gọi thuế đó là thuế TNCN".


 

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn