Minh bạch giá điện: Mơ về nơi xa lắm

Thứ năm, 13/09/2012, 11:27
Huy động được nguồn thủy điện trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có lợi thế mua được điện với giá rẻ. Thế nhưng, theo lời của ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực về việc sẽ điều chỉnh giá điện trong ngày 1-10 tới đây, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy giá điện sẽ được điều chỉnh giảm.

>> EVN sẽ tính lại giá điện trước ngày 1/10
>> Tăng giá điện và chuyện cán bộ “đi Tây”
>> “Tăng giá điện là việc hết sức bình thường”
>> Sao lại bù lỗ bằng cách tăng giá điện?

EVN vẫn mua rẻ - bán đắt
 
"Trước ngày 1-10-2012, EVN phải tính toán lại giá thành sản xuất kinh doanh điện để đề xuất phương án giá điện” - ông Đặng Huy Cường, cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nhưng với câu hỏi: Giá điện sẽ được điều chỉnh giảm hay không khi EVN gặp khá nhiều thuận lợi trong những tháng vừa qua vì mua được điện giá rẻ, ông Cường lại đưa ra câu trả lời:

"Việc ngành điện đang huy động được nguồn thủy điện giá rẻ không có nghĩa là giá điện sẽ giảm vì phải tính tới giá điện của mùa khô. Việc phát thủy điện nhiều trong tháng 7 và tháng 8-2012 cũng chưa có căn cứ để khẳng định giá điện sẽ giảm”.
 
 
Theo vị lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, giá điện tăng hay giảm phải được tính giá thành của cả năm 2012 so với chi phí phát điện thực tế và phát theo kế hoạch. Do đó, phương án tính giá điện sẽ phải tính trên giá thành sản xuất của các khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ của cả năm 2012.

Nói như vậy, có nghĩa giá điện chắc chắn sẽ được điều chỉnh vào ngày 1-10 tới đây nhưng khả năng giảm là rất hãn hữu.
 
Bởi, ngành điện vẫn luôn vin vào con số lỗ do chênh lệch tỷ giá để phân bổ số lỗ ấy vào giá điện. Bởi, tại buổi họp báo về cơ chế tính giá điện do EVN tổ chức hồi giữa tháng 7, Phó Tổng Giám đốc EVN – ông Đinh Quang Tri đã khẳng định rằng: Số lỗ do chênh lệch về tỷ giá 26.000 tỷ đồng vẫn còn lơ lửng treo ở đó, EVN sẽ không thể giảm giá khi vẫn đang lỗ lớn như vậy.

Nói như vậy, có nghĩa, dù cơ cấu đầu vào của giá điện có giảm nhưng sẽ khó có chuyện giảm giá vì còn lâu mới bù hết lỗ (?).
 
Chưa bao giờ minh bạch
 
Có lẽ, câu chuyện ngành điện đòi điều chỉnh giá (nhưng lại chỉ đòi tăng không có giảm – PV) đã được nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần. Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngành điện đã không ít lần yêu cầu tính minh bạch của ngành này trong cơ chế điều chỉnh giá, song vẫn không thấy một biểu hiện gì của ngành điện. Một chuyên gia kinh tế nhận định:

Việc tăng giá bán điện, cơ cấu giá thành thế nào chủ yếu do EVN xây dựng. Kêu lỗ hàng nghìn tỷ đồng do tỷ giá, EVN đòi được tăng giá để bù vào khoản lỗ ấy, cũng được Chính phủ chấp nhận. Việc Bộ Công thương trao quyền cho EVN được điều chỉnh giá bán điện 5% dựa vào các thông số đầu vào lại càng là điều kiện để EVN tăng cấp độ độc quyền. Vậy thì minh bạch kiểu gì, minh bạch ở đâu?
 
Và ai cũng nhận ra rằng, một khi còn độc quyền trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là "tính minh bạch” đối với ngành điện. Nói như TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện Kinh tế -Tài chính, thì chi phí, giá cả EVN đưa ra thế nào, công bố ra sao thì chúng ta phải theo.

Bởi EVN đang chiếm tỷ trọng 70% lưới điện quốc gia. Nếu không giảm bớt tỷ trọng của đơn vị này thì rất khó đảm bảo giá điện sẽ được minh bạch, công bằng.
 
Thế nhưng phía ngành điện, lúc nào cũng lớn tiếng: "Mong giá điện sẽ sớm được tiệm cận theo giá thị trường để đảm bảo sự minh bạch, khách quan” – lời của Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri. Nhà đèn đang độc quyền thì liệu có minh bạch ?
 
Còn nhớ, tại buổi họp báo về cơ chế điều chỉnh giá điện gần đây nhất, người đại diện EVN – Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri đã bày tỏ mong muốn được chia sẻ khó khăn với người dân của ngành điện, song những việc mà ngành này đang làm, có yếu tố nào cho thấy sự chia sẻ ở đây (?!)
 

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn