Sắc thuế và an dân

Thứ tư, 12/09/2012, 08:02
Trong khi thông tin mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực chưa lắng xuống, thì đầu tuần này, dư luận lại ngỡ ngàng khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bác phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Bộ Tài chính, với lý do ảnh hưởng tới cân đối thu - chi.

>> Quốc hội đề xuất giảm mức lương khởi điểm chịu thuế thu nhập
>> Thuế thu nhập cá nhân: Vẫn băn khoăn giảm trừ gia cảnh
 

Đây không phải là lần đầu tiên Ủy ban Tài chính - Ngân sách bác phương án sửa đổi thuế TNCN của Bộ Tài chính.

Ngay từ khi soạn thảo Luật Thuế TNCN thay thế cho Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao vào năm 2007, Ủy ban này cũng đã bác phương án khởi điểm chịu thuế là 6 triệu đồng/tháng của Bộ Tài chính, với lý do nếu để khởi điểm chịu thuế cao sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, trong khi chi ngân sách mỗi năm một phình to.

Để rồi, mức khởi điểm chịu thuế được chốt lại tại Luật Thuế TNCN là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ gia cảnh là 1,6 triệu đồng/người/tháng.
 


Theo Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP
bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009.

 

Hệ quả của việc tận thu thông qua thuế TNCN là, sau hơn 3 năm triển khai Luật Thuế TNCN, cùng với việc nền kinh tế khó khăn và giá tiêu dùng liên tục leo thang (chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 40%), thu nhập của đại bộ phận người dân tăng chậm, trong khi những khoản chi tiêu bắt buộc như xăng dầu, học phí, viện phí, điện, nước… liên tục tăng, khiến nhiều lần Quốc hội buộc phải ra nghị quyết miễn, giảm thuế TNCN.

Cần nhắc lại rằng, trước đòi hỏi phải giảm thuế TNCN, trên cơ sở nâng mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh, vào tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính đã chính thức kiến nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 6 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 2,4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, phương án ban đầu đó của Bộ Tài chính đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội, bởi mức khởi điểm đó vẫn khiến người Việt Nam phải nộp thuế TNCN cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Trước sự không đồng thuận của xã hội, Bộ Tài chính đã lắng nghe, cân nhắc, xem xét nhiều phương diện, kể cả động thái giảm gánh nặng thuế, phí của các nước trong khu vực, để trình phương án nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Dù phương án này chưa hẳn đã là tối ưu, nhưng phần nào cũng đã phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, thu nhập cũng như chi tiêu của người dân. Đó cũng chính là giải pháp đầu tư cho con người, cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế và nâng cao cuộc sống của người dân.

Nếu theo phương án này, DN cũng giảm được gánh nặng thuế, vì không phải nâng thu nhập để giữ người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, năng lực, kinh nghiệm nên sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hy vọng rằng, tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hôm nay (12/9), khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung, các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân sẽ tập trung trí tuệ, phát huy trách nhiệm, đưa ra được phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN tối ưu để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây.
 


Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn