Mặc dù STB đã có văn bản giải trình HOSE, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại trước những thông tin không được công bố.
Điểm bất thường trong BCTC
Cuối tháng 8/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2012 của ngân hàng mẹ đã qua soát xét. Sau soát xét, chỉ tiêu lãi/lỗ từ hoạt động mua, bán chứng khoán đầu tư đã thay đổi từ mức lãi 77,97 tỷ đồng sang lỗ 40,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của STB giảm từ 1.296,11 tỷ đồng xuống còn 1.173,34 tỷ đồng sau soát xét.
Tuy nhiên, Công ty TNHH PwC Việt Nam, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của STB lại lưu ý đến Thuyết minh 2.11 và Thuyết minh 15 (iii) của báo cáo là: trong kỳ, Ngân hàng đã ký một số thoả thuận với 7 cá nhân để mua và bán lại cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Beta (BSI), CTCP Chứng khoán Phương Nam (PNS) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LVPB), với tổng số tiền 757,26 tỷ đồng.
STB giải trình
Ngày 5/9/2012, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có công văn yêu cầu STB giải trình. Ngày 11/9/2012, STB có văn bản trả lời HOSE. Theo đó, trong tháng 6, Ngân hàng có phát sinh các giao dịch mua và bán lại cổ phiếu có chọn lọc trong thời gian ngắn (6 - 12 tháng) với một số cá nhân.
Trong thỏa thuận, các cổ phiếu này không chuyển quyền sở hữu, nhưng STB vẫn ràng buộc các điều kiện để đảm bảo kiểm soát an toàn và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.
Vì vậy, STB không ghi nhận các khoản mục này vào đầu tư chứng khoán (do không chuyển quyền sở hữu); số tiền đã trả cho các chứng khoán được mua - đồng thời cam kết sẽ bán lại - được ghi nhận như một tài sản trên khoản mục tài sản khác.
Giao dịch này sẽ mang lại cho STB một khoản thu nhập (dự thu và sẽ thu khi thực hiện bán lại). Bên cạnh đó, các khoản phải thu từ giao dịch này sẽ được STB thực hiện trích dự phòng theo Điều 6, Thông tư 228/2009/TT-BTC về việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu khó đòi. Do đó, các giao dịch này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của STB.
… nhưng đáng ngại ở con số 75%
Ngày 12/9/2012, PwC có văn bản giải trình thêm về nội dung các giao dịch mua và bán cổ phiếu. Cụ thể, theo các thoả thuận mà STB đã ký với 7 cá nhân, trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, nếu giá trị thị trường của các cổ phiếu giảm 75% so với giá mà Ngân hàng đã mua ban đầu, Ngân hàng có quyền yêu cầu đối tác thực hiện 1 trong 3 yêu cầu:
Mua lại trước hạn toàn bộ số chứng khoán đã bán theo giá trị bán được thoả thuận trong hợp đồng (bằng giá Ngân hàng đã mua cộng chi phí sử dụng vốn); ký quỹ với số tiền tương ứng với giá trị sụt giảm của các cổ phiếu này so với giá mà Ngân hàng đã mua trước đây; bán chứng khoán cho bên thứ ba để thu hồi vốn nhằm hạn chế thiệt hại cho hai bên.
Theo PwC, hiện tại, chưa có quy định kế toán về các giao dịch mua và bán lại cổ phiếu có kỳ hạn. Do vậy, Ngân hàng đã tự xây dựng chính sách kế toán của mình và áp dụng cho nghiệp vụ này. Như Ngân hàng đã giải trình, theo thoả thuận giữa Ngân hàng và 7 cá nhân thì các cổ phiếu không chuyển quyền sở hữu nhưng Ngân hàng vẫn ràng buộc các điều kiện để đảm bảo kiểm soát an toàn và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Vì vậy, Ngân hàng không ghi nhận các cổ phiếu này trong khoản mục đầu tư chứng khoán.
Số tiền đã trả được ghi nhận là các khoản phải thu và được theo dõi để lập dự phòng. Tại ngày 30/6/2012, STB chưa ghi nhận dự phòng cho các khoản này, do các khoản phải thu này đang trong hạn.
Tuy nhiên, PwC cũng đã có khuyến nghị với Ngân hàng về quy trình quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ có giá trị trọng yếu, mức độ rủi ro cao này. Ví dụ, việc xác định mức độ suy giảm giá trị 75% so với giá trị mua ban đầu có thể là quá cao, dẫn đến tổn thất tài chính không được ghi nhận một cách kịp thời.
Và những nghi vấn chưa lời giải
Như ĐTCK từng phản ánh, việc ghi nhận giá trị cổ phiếu của những doanh nghiệp chưa niêm yết trong bối cảnh TTCK Việt Nam hiện nay hết sức khó khăn, bởi thường không có giao dịch, hoặc giá cổ phiếu xuống quá thấp nhưng không được ghi nhận để tránh việc phải trích lập dự phòng.
Do đó, nhiều NĐT cũng đặt câu hỏi, liệu STB có xác định được kịp thời việc giảm giá của 3 cổ phiếu chưa niêm yết, để xử lý nhanh theo thoả thuận được ký kết hay không?
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, về bản chất, các giao dịch này giống như hoạt động repo cổ phiếu của các ngân hàng với NĐT. Tuy nhiên, ở hoạt động repo, quyền sở hữu được chuyển nhượng và xác lập khi thực hiện. Còn nếu là hoạt động cầm cố chứng khoán thì không có phát sinh hợp đồng mua bán lại cổ phiếu.
Rõ ràng, ở đây, STB lại lách luật bằng việc chưa chuyển quyền sở hữu, do đó đây có thể gọi là repo “nửa vời”, cầm cố “nửa vời”. Tóm lại, việc tạo ra một nghiệp vụ mới giúp STB thực hiện được khá nhiều mục tiêu khác nhau, mà vẫn lách được các quy định của pháp luật.
Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, khi tính lệ an toàn vốn tối thiểu, các ngân hàng sẽ phải xác định hệ số rủi ro của các tài sản.
Nếu coi đây là hoạt động repo/cầm cố chứng khoán, sẽ khiến STB phải xác định hệ số rủi ro của các tài sản này lên tới 250% (Khoản 5.6, Điều 5), tức tăng tới 2,5 lần so với hệ số rủi ro 100% mà STB đang áp dụng (Điểm đ, Khoản 5.4, Điều 5). Khi đó, hệ số CAR của Ngân hàng sẽ buộc phải điều chỉnh.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng không được “cấp tín dụng” với một số đối tượng nhất định có liên quan đến ban lãnh đạo. Tuy nhiên, điều thú vị là luật pháp hiện chưa có quy định đối với “nghiệp vụ mới” mà STB thực hiện.
Một cái lợi nữa từ nghiệp vụ mới này là 7 cá nhân có liên quan không phải công bố thông tin do chưa có hành vi chuyển nhượng sở hữu. Chính vì không phải công bố thông tin nên dư luận đang có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động chuyển vốn theo hình thái mới này.
Ai sở hữu lượng lớn cổ phiếu của BSI, PNS và LVPB? Theo thống kê của ĐTCK, hiện CTCP Chứng khoán Beta (BSI) đang có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Phương Nam (PNS) là 340 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LVPB) là 6.400 tỷ đồng. Do các tổ chức này chưa niêm yết, nên thật khó biết được cơ cấu cổ đông chính xác. Theo những thông tin đã được công bố, thì số cổ đông cá nhân nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các tổ chức này không nhiều. Theo số liệu đến 8/8/2012, ông Trầm Trọng Ngân, là con của ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch HĐQT STB đang nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu PNS. Ông Ngân cũng là cổ đông lớn của STB khi đang nắm giữ 48 triệu cổ phiếu STB (chiếm 4,93%) tính đến ngày 29/6/2012. Trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2012 của PNS, có một điểm khá bất thường là liên tục các ngày 1, 2, 9, 11, 18, 19 và 20/6, các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn của PNS là ông Nguyễn Văn Trinh, bà Lâm Lệ Yến, ông Trần Phát Minh có giao dịch chuyển nhượng tới 8,15 triệu cổ phiếu PNS (chiếm 23,971%) với ông Lữ Bỉnh Huy, một thành viên HĐQT của PNS. Tuy nhiên, báo cáo không chỉ ra ông Lữ Bỉnh Huy đang nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu PNS. Còn theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2012 của BSI, ông Nguyễn Văn Cựu - Chủ tịch HĐQT đang nắm 12.068.933 cổ phiếu (chiếm 30,17%); bà Nguyễn Thị Minh Quang - thành viên HĐQT nắm 3 triệu cổ phiếu (7,5%); bà Phan Thị Yên Hà nắm 2.173.333 cổ phiếu (5,4%); ông Nguyễn Văn Thiên - thành viên HĐQT nắm 405.000 cổ phiếu (1,01%); ông Lê Hữu Phú -Phó chủ tịch HĐQT nắm 93.595 cổ phiếu (0,23%). Còn tại LVPB, danh sách các cổ đông cá nhân lớn không được tiết lộ, ngoại trừ một số thành viên trong HĐQT và Ban giám đốc. Cụ thể, tính đến 30/6/2012, ông Nguyễn Đình Thắng, thành viên HĐQT độc lập nắm 1.367.335 cổ phiếu (0,21%); các phó tổng giám đốc như bà Nguyễn Thu Hoa nắm 167.645 cổ phiếu (0,03%), bà Nguyễn Thị Thanh Sơn nắm 75.814 cổ phiếu (0,01%), bà Nguyễn Thị Gấm nắm 51.844 cổ phiếu (0,01%). |
Theo ĐTCK