Nhà nước độc quyền sản xuất, giá vàng nội vẫn vênh xa thế giới

Thứ ba, 18/09/2012, 09:20
Nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải tình trạng giá vàng trong nước đắt hơn thế giới tới 3 triệu đồng mỗi lượng, dù nhu cầu mua của dân không lớn. Có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra ấn định giá.
 
Nghị định 24 đi vào thực thi được gần 4 tháng. Kể từ sau quyết định này, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất, dập đúc vàng miếng SJC. Ngoài vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC, các loại vàng miếng khác sẽ phải ngừng sản xuất kể từ sau Nghị định.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, những nỗ lực trên nhằm bình ổn thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước về sát mức thực tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng cho rằng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng trở xuống mới là hợp lý.
 
Nhưng suốt nhiều tháng gần đây, giá vàng SJC luôn duy trì khoảng cách từ 1,4 triệu đồng trở lên so với quốc tế quy đổi. Trong đợt tăng liên tục kéo dài 4 tuần vừa rồi, giới doanh nghiệp luôn bán đắt hơn thế giới ít nhất 2 triệu đồng, có lúc lên tới 3,1 triệu đồng như ngày 7/9.
 
Biểu đổ giá vàng
Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước tại một số thời điểm gần đây.

Trong khi đó, so với SJC, vàng miếng các thương hiệu khác rẻ hơn hàng triệu đồng một lượng.

Cụ thể chốt ngày 17/9, trong khi niêm yết bán SJC ở mức 46,85 triệu đồng, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu thấp hơn 2,9 triệu đồng, hay vàng AAA của Agribank chỉ ở mức 44,4 triệu đồng mỗi lượng. Các doanh nghiệp trên vẫn đang mua vào, bán ra vàng miếng hay trang sức bình thường với mức giá rẻ hơn hẳn so với SJC.

 
Thông thường mỗi khi giá vàng trong nước trở nên "nóng", giới doanh nghiệp thường giải thích vì lý do cung cầu. Lần này, ngay cả những nhà buôn vàng cũng phải thừa nhận rằng nhu cầu mua của người dân hiện nay không cao.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lực bán chốt lời của khách hàng tăng khá mạnh. Khi thị trường thiết lập các mức cao trong tuần trước còn xuất hiện tình trạng khách xếp hàng đi bán với số lượng lớn. Hay như hôm qua, Tập đoàn DOJI cho biết 70% khách đến cửa hàng là để bán vàng, với tổng lượng giao dịch đạt hơn 3.000 lượng.

 
Ngay cả Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng cho hay lượng vàng thu mua từ khách đang cao hơn so với bán ra.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng của SJC, tính đến cuối tuần vừa rồi, doanh nghiệp thường xuyên thu mua khoảng 3.000 lượng mỗi ngày. Cộng với 45.000 lượng vàng mới dập đúc từ cuối tháng 8, hiện nguồn cung vàng không căng thẳng, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

 
Vàng
Vàng đắt đỏ so với thế giới, nhiều người không dám mua vào

Giả thiết khác lý giải cho sự chênh lệch giá cả, theo một chuyên gia trên thị trường, là hiện nay xuất hiện những thông tin cho rằng vài tổ chức như ngân hàng, doanh nghiệp đang mua vàng với số lượng lớn.

Động thái này nhằm bù đắp cho các hoạt động bán ra lớn trước đó khiến nguồn vàng hiện bị âm. Ngoài ra nhiều người rút vàng ngân hàng để bán cũng khiến ngân hàng phải tăng mua để cân bằng trạng thái.

 
Trên thực tế, một số tổ chức tín dụng cũng thể hiện nhu cầu gia tăng nguồn vàng bằng cách điều chỉnh lãi suất huy động vàng lên gấp 2 đến 3 lần. Kể từ ngày 6/9 vừa rồi, Ngân hàng ACB huy động vàng vỡi lãi suất cao nhất là 1,6%, thay vì 0,8% như trước đó. Còn tại Ngân hàng Eximbank và Sacombank, lãi suất huy động cũng đồng loạt tăng từ 0,5% lên mức cao nhất là 1,6%.
 
"Tuy nhiên, hiện tượng vàng trong và ngoài nước lệch pha đã duy trì suốt nhiều tháng vừa rồi, chứ không phải đến bây giờ mới xuất hiện, nên nguyên nhân trên cũng có thể chỉ là một phần", một chuyên gia ngành vàng nhận định.
 
Ngân hàng Nhà nước hiện chưa đưa ra ý kiện nào về việc giá vàng trong và ngoài nước lệch pha.

Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội đưa ra đề xuất một khi đã độc quyền vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra đảm nhiệm luôn việc thiết lập giá cả và buộc thị trường phải tuân theo. "Điều này có thể chấm dứt những nhập nhèm khó hiểu về vấn đề giá cả trên thị trường vàng hiện nay", vị giám đốc trên nhận định.

 
Trong bài phỏng vấn đăng trên website Ngân hàng Nhà nước tối qua, Phó thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng thị trường vàng trong nước biến động phức tạp như thời gian qua chủ yếu là do ảnh hưởng biến động của giá vàng thế giới.

Nhân tố thứ nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế các nước trong khu vực đồng tiền chung vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. Tác động lớn hơn đó là thông báo ngày 13/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và cam kết giữ lãi suất ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2015.

 
"Cùng với các mặt hàng nguyên liệu khác, giá vàng trên thị trường thế giới tăng đột biến kéo giá trong nước tăng khá nhanh theo. Ngoài ra, giá vàng trong nước cũng còn chịu tác động mạnh mẽ của các sự kiện trong nước diễn ra trong vài tuần gần đây", ông Hưng nói.
 
Ông Hưng khẳng định thị trường trong nước gần đây không xuất hiện các “cơn sốt”, lực cung trên thị trường vẫn tăng do trước đây, nhiều nhà đầu tư và người dân đã mua vàng ở mức giá 42 – 43 triệu đồng mỗi lượng, đến nay, khi thấy giá vàng trong nước tăng đạt mức kỳ vọng, họ đã bán ra thị trường với khối lượng lớn.

Ông cũng cho biết không có hiện tượng nhập lậu vàng, nhờ đó tỷ giá và thị trường ngoại tệ nói chung ổn định.

 
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng và áp dụng các biện pháp thích hợp để thị trường dần đi vào ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi tham gia mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có", ông tuyên bố.
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích