Sốt vàng: lỗi tại ai?

Thứ năm, 20/09/2012, 15:25
Hơn một tháng qua, thị trường vàng trong nước lại dậy sóng. Cơn sốt vàng diễn ra một lần nữa đặt ra câu hỏi trách nhiệm thực sự thuộc về ai khi mà dư luận hơn bao giờ hết đang nghi ngờ về sự thiếu lành mạnh trong hoạt động kinh doanh trên thị trường này.

>> Dân ồ ạt bán vàng, công ty phải làm giấy hẹn
>> Xếp hàng đi bán vàng khi giá tăng cao
>> Im lặng không phải là... vàng 
>> Giá vàng vọt lên 47,25 triệu đồng/lượng
>> 'Dập đúc 13 tấn vàng để hạ nhiệt giá cả' 

Trăm dâu đổ đầu... ngân hàng

Nguyên nhân chính của cơn sóng vàng lần này được nhiều chuyên gia cho rằng là do... các ngân hàng thương mại (NHTM), bởi họ là người mua tích cực trên thị trường và góp phần vào sự tăng giá mạnh mẽ của thị trường vàng trong nước.

Thoạt nhìn, lập luận này có vẻ hoàn toàn xác đáng bởi lẽ nhu cầu vàng của các ngân hàng trong thời gian qua là rất lớn. Việc các ngân hàng mua gom vàng là do họ đang rơi vào trạng thái âm về vàng vượt mức cho phép rất xa.

Trước đợt sốt vàng này, với chính sách cho phép một số NHTM được bán vàng huy động để bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm NHTM mà người ta thường gọi là “nhóm G5” đã được phép bán lượng vàng mà họ huy động được với số lượng sao cho trạng thái vàng (trong nước) của mỗi ngân hàng không vượt quá âm 20%.



Một khách hàng ngỡ ngàng khi nhìn bảng giá vàng nhảy lên 47,4 triệu đồng hôm nay. Ảnh: Anh Quân.

Với “trách nhiệm” mà NHNN giao cho và “cơ hội” kiếm được món hời từ mức chênh lệch lãi suất giữa vàng (rất thấp) và tiền đồng (rất cao) lúc bấy giờ, hầu hết nhóm G5 đều sử dụng hết hạn mức âm 20% trạng thái vàng của mình và thu về mức lợi nhuận kha khá nhờ vào việc cân bằng trạng thái vàng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó. “Sự cố ACB” và giá vàng thế giới tăng mạnh trong một tháng trở lại đây đã khiến người dân rút vàng đang gửi ở các ngân hàng hoặc để bán chốt lời hoặc mang về nhà “cho an toàn”.

Điều này đã làm cho trạng thái vàng ở các ngân hàng không còn ở mức âm 20% theo quy định mà vọt lên mức âm 30-40% và thậm chí 50%. Kết quả là các ngân hàng này gặp khó khăn trong thanh khoản vàng.

Và để giữ uy tín trong kinh doanh cũng như không để đám cháy “thanh khoản về vàng” lan sang các loại tiền tệ khác, các ngân hàng ngay lập tức đẩy mạnh mua gom vàng cũng như huy động để nhanh chóng đưa trạng thái vàng về mức âm hợp lý.

Như vậy, có thể nói hoạt động mua gom vàng của các NHTM đã góp phần quan trọng gây nên cơn sốt vàng vừa qua. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu không có sự tham gia của NHTM vào thị trường vàng thì cơn sốt vàng có chấm dứt hay không?

Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi lẽ, sự tham gia của hệ thống NHTM chủ yếu hỗ trợ phía cung hơn là phía cầu. Điều này được chứng minh bởi trạng thái vàng của các NHTM luôn âm ở mức lớn. Thêm vào đó, trong thị trường vàng Việt Nam, hệ thống NHTM hầu như chỉ đóng vai trò là trung gian mua bán chứ không phải là nhà đầu tư.

Do vậy, có hay không có sự tham gia của các NHTM thì mức cầu vàng vẫn không thay đổi và do vậy lực mua của các NHTM không thể là nguyên nhân sâu xa gây nên cơn sốt vàng vừa qua.  

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhìn lại lịch sử thị trường vàng có thể thấy rằng, sự khác biệt trong cơn sốt vàng lần này là có sự tham gia một cách miễn cưỡng của các NHTM trong việc mua gom vàng, còn lại vẫn là những nguyên nhân đã quá quen thuộc như giá vàng thế giới tăng 1, vàng trong nước tăng 2.

Chênh lệch giá mua và giá bán được nới rộng... và cuối cùng lợi ích vẫn thuộc về các đại gia kinh doanh vàng, còn thiệt hại sẽ do nhà đầu tư nhỏ lẻ gánh.



Bảo vệ tại các cửa hàng vàng trên con phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vất vả vì lượng khách đông đột biến.
Ảnh: Anh Quân

Với những cơn sốt vàng kinh niên như vậy, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan quản lý mà cụ thể ở đây là NHNN. Cho dù NHNN đã đưa ra rất nhiều giải pháp cả ngắn hạn lẫn dài hạn để bình ổn thị trường vàng nhưng cho đến nay các giải pháp này vẫn không đạt được hiệu quả mà nguyên nhân chủ yếu là do:

Thứ nhất, các chính sách quản lý thị trường vàng đang mâu thuẫn lẫn nhau. Trong khi NHNN đang xây dựng đề án huy động vàng trong dân nhằm bình ổn thị trường vàng và phục vụ phát triển kinh tế thì đồng thời NHNN đang tiến đến cấm các NHTM huy động vàng và “hạn chót tiếp theo” cho lệnh cấm này có hiệu lực là ngày 25-11-2012.

Và với các diễn biến mới về tình trạng căng thẳng thanh khoản vàng ở các NHTM, có lẽ thời hạn chót này sẽ tiếp tục được dời lại. Không dừng ở đó, trong khi thời hạn huy động vàng sắp hết, NHNN vẫn cho phép nhóm G5 bán vàng huy động để bình ổn thị trường mà không đưa ra bất cứ lộ trình nào để cân bằng trạng thái vàng trong nước của nhóm G5 này.

Tương tự như vậy, NHNN tuyên bố sẽ độc quyền thương hiệu vàng SJC nhưng đồng thời lại thừa nhận vô thời hạn các thương hiệu vàng miếng khác mà thiếu đi một lộ trình chuyển đổi dứt khoát vàng phi SJC sang SJC.

Thực tế, với lượng vàng phi SJC rất lớn đang tồn tại trong dân, chỉ cần một thời hạn dứt khoát ví dụ như sáu tháng, cho phép chuyển đổi tự do vàng phi SJC sang SJC thì NHNN hoàn toàn có đủ vàng để làm nguội thị trường hay sốt này.

Sự mâu thuẫn về chính sách đã làm cho các giải pháp bình ổn thị trường không những không phát huy hiệu quả, mà trong nhiều trường hợp thậm chí còn trở thành con dao hai lưỡi làm cho thị trường thêm bất ổn.

Thứ hai, các chính sách của NHNN đưa ra vẫn chưa giải quyết được bài toán liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Chính sách cấm nhập khẩu vàng hay đúng hơn là không cấp hạn ngạch nhập khẩu đã cắt đứt mối liên kết trực tiếp giữa thị trường vàng vật chất trong và ngoài nước. Trong khi đó, các con đường liên thông khác như lập sàn giao dịch vàng qua tài khoản vẫn chưa được xem xét.

Cơn sốt vàng sớm muộn rồi cũng sẽ hạ nhiệt nhưng một lần nữa nó cho thấy một khi NHNN vẫn loay hoay trong việc tìm phương thuốc hạ sốt cấp tính, thay vì đưa ra giải pháp căn cơ, để trị căn bệnh “không liên thông” giữa thị trường vàng trong nước và thế giới thì thị trường vàng vẫn sẽ tiếp tục nổi sóng.

 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn