Lãng phí tại các tập đoàn gây áp lực tăng nợ xấu

Thứ năm, 20/09/2012, 07:38
“DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu” - báo cáo vừa trình UB Thường vụ QH cho thấy, nhiều tập đoàn, TCty đang thua lỗ, lãnh đạo tiêu cực, gây lãng phí.

>> Biểu tượng lãng phí Vinalines
>> "Hội chứng" lập khu kinh tế, cuộc đua lãng phí
>> Vinalines: Lỗ và lãng phí trên 2 nghìn tỉ đồng
>> Giá điện: Tăng vẫn tăng, lãng phí vẫn lãng phí

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012, do Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, kết quả thanh tra trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.529 tỷ đồng.

Đồng thời, đã có kiến nghị xử lý về hành chính đối với 425 tập thể và 697 cá nhân chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 22 vụ, liên quan đến 35 người.

Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn lãng phí, nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý kịp thời làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội.

Cụ thể, trong 2 năm 2011, 2012 đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502 ha; chưa xử lý 3.738 tổ chức với diện tích 60.073 ha.

Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu số liệu phát hiện có 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch (thuộc 13 tỉnh), trong đó có 5 sân golf đang xây dựng và 5 sân golf đã được cấp chứng nhận đầu tư trước khi có Quyết định của Thủ tướng.
 



Các lãnh đạo QH tại phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cơ quan thẩm tra – UB Tài chính ngân sách nhận xét, một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để hoang hóa. Tình trạng quy hoạch treo vẫn còn ở nhiều địa phương, gây lãng phí lớn và vẫn chậm được khắc phục.

Về sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, Tập đoàn Điện lực EVN, TCty Hàng Hải Việt Nam Vinalines...). Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai tại các đơn vị này thấp. Một số lãnh đạo tập đoàn, TCty có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây lãng phí.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng.

Từ năm 2009 đến cuối năm 2011, cung cầu mất cân đối, hàng hóa tồn kho lớn, chậm luân chuyển, gây áp lực lớn làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu)...

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn con số kiểm toán năm 2011 niên độ ngân sách 2010 cho biết, doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ vốn chiếm dụng cao, đa số có hoạt động đầu tư ngoài ngành, hơn 50% hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng và vốn vay.

Vẫn còn tình trạng ngân hàng thương mại nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Rồi 70% tống số các doanh nghiệp nhà nước lỗ (năm 2011 lỗ khoảng 6,5 tỷ USD); năm 2010, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 9% gần bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11,75%.
 


Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn