Giao dịch “khủng” 34 triệu cổ phiếu ACB từ đâu ra?

Thứ năm, 20/09/2012, 09:30
Đây là khối lượng giao dịch lớn nhất của ACB từ khi niêm yết trên HNX đến nay.

Hơn 4 tuần sau khi ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải bị bắt, các thông tin về ACB tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Hôm qua, ACB công bố 3 thành viên HĐQT từ nhiệm và bổ nhiệm ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT mới.

Như vậy, cùng với ông Lý Xuân Hải đã từ nhiệm trước đó, HĐQT của ACB hiện chỉ còn 7 thành viên. Ngân hàng này sẽ phải tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên theo quy định.

 

Nhưng đó không phải là thông tin gây chú ý nhất, trong phiên hôm qua, ACB gây đột biến với hai giao dịch thỏa thuận 34 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 534 tỷ đồng. Đây là khối lượng giao dịch lớn nhất của ACB từ khi niêm yết trên HNX đến nay.

Giao dịch thỏa thuận bất ngờ của 3,4% số lượng cổ phiếu của ACB đang niêm yết khiến nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về bản chất của giao dịch này. Ai đã bán, ai đã mua? bán tháo của nhà đầu tư lớn? hay chỉ là một giao dịch cá biệt…?

Sau khi ACB liên tiếp đón nhận tin xấu, khối lượng đặt bán cổ phiếu này trên sàn thường xuyên vượt 1 triệu đơn vị, so với mức 200-300 ngàn cổ phiếu trước đó. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố gắng bán ra cổ phiếu đang nắm giữ và kết quả là giá ACB mất 38% kể từ ngày 21/8 đến nay, giảm từ 26.000 về 16.000 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong 6 tháng qua

Việc cổ phiếu giảm giá mạnh cùng với tình hình bất ổn tại ACB đã khiến nhà đầu tư cá nhân phải cắt lỗ. Tuy nhiên với nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu thì những biến động vừa qua tại ACB khó có thể khiến họ hành động tương tự như nhà đầu tư cá nhân.

Ước tính, giá trị của 34 triệu cổ phiếu này đã giảm khoảng 320 tỷ trong vòng 1 tháng qua. Rõ ràng một tổ chức khó có thể chấp nhận “rời bỏ cuộc chơi” một cách dễ dàng như vậy.

Một giả định khả thi nhất cho giao dịch bất ngờ này là việc lô cổ phiếu trên đã bị chủ sở hữu mang đi cầm cố và không có khả năng thanh toán khoản vay khi đến hạn hoặc do giá cổ phiếu ACB giảm quá nhanh, vi phạm vào điều khoản giải phóng của hợp đồng vay (trong đó lô cổ phiếu là tài sản thế chấp). Khi đó, bên cho vay (nhận cầm cố) đã thực hiện giao dịch nhằm chuyển quyền sở hữu.

Chiều qua, sau khi giao dịch của ACB được thực hiện, các môi giới chứng khoán đã “truy lùng gắt gao” nguồn gốc lệnh mua và bán. Không có thông tin chính thức, nhưng theo các môi giới thạo tin nhất, có khả năng một công ty tài chính đã đặt lệnh chào bán còn lệnh mua đến từ một ngân hàng.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích