HSC nhận định về trạng thái âm vàng của ACB

Thứ năm, 20/09/2012, 15:54
Trong bản tin nhận định thị trường ngày 19/9, CTCK TP HCM (HSC) đã đưa ra các nhận định về trạng thái âm vàng của ACB.

>> Tân chủ tịch ACB Trần Hùng Huy là ai?
>> CEO ACB: 'Chia bớt việc để về nhà ăn tối với gia đình'
>> ACB ngừng mua vàng miếng SJC để chờ hướng dẫn
>> Liên tục xuất hiện vàng miếng giả hiệu SJC

Tại thời điểm cuối quý 2 năm 2012, ACB có các khoản phải trả bằng vàng tương đương 55.583 tỷ đồng, bao gồm chứng chỉ tiền gửi và các khoản phải trả khác bằng vàng. Ngân hàng còn có các tài sản bằng vàng trị giá 55.278 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6/2012.  

Tuy nhiên 65% số tài sản bằng vàng này (tương đương 34.154 tỷ đồng hay 1,6 tỷ USD) nằm trong khoản mục “Phải thu khác bằng vàng” (dưới dạng các sản phẩm phái sinh) hoặc nói cách khác, không phải là vàng vật chất.

Dường như ACB đã bán vàng vật chất và cân bằng trạng thái bằng việc mua lại vàng qua các hợp đồng phái sinh tiền tệ. ACB đã ký hợp đồng phái sinh vàng với một đối tác trong nước và một đối tác nước ngoài.

 
Khách hàng giao dịch tại ACB

Sau đây là phần phân tích của HSC:

1. Theo BCTC của ACB tại thời điểm cuối tháng 6/2012, các hợp đồng kỳ hạn vàng của ACB với các đối tác trong nước vào khoảng 23.295 tỷ đồng dưới dạng các khoản phải thu bằng vàng.

Các đối tác này có nghĩa vụ bán vàng cho ACB tại một mức giá định trước trong hợp đồng kỳ hạn. Các đối tác này đồng thời gửi lại một khoản tiền gửi bằng VND tương đương 21.928 tỷ đồng tại ACB làm tài sản đảm bảo.

Trong trường hợp giá vàng tăng, các đối tác trong nước này có thể bị lỗ nếu họ thực hiện hợp đồng kỳ hạn vàng đã ký với ACB. BCTC của ACB không nêu rõ ngày thực hiện hợp đồng hoặc giá vàng kỳ hạn.

Do đó khó mà xác định được thời điểm và số lỗ các đối tác trong nước này phải sẽ phải chịu. Tuy nhiên nếu các đối tác này không thực hiện hợp đồng, ACB có thể sẽ đối mặt với một số rủi ro.

2. ACB mua vàng qua tài khoản vàng ở nước ngoài từ các đối tác nước ngoài và có một khoản phải thu bằng vàng tương đương 10,769 tỷ đồng từ các đối tác này vào thời điểm cuối quý 2, 2012.

HSC nghĩ rằng đây là một dạng phòng ngừa rủi ro vì phía ngân hàng có thể sẽ cần có giấy phép nhập khẩu vàng để vận chuyển số vàng này.

Trong điều kiện các đối tác trong nước hoàn thành nghĩa vụ của họ như hợp đồng kỳ hạn đã ký, trạng thái vàng âm ở mức thấp sẽ mang lại ít rủi ro cho ngân hàng kể cả trong trường hợp giá vàng trong nước tăng.

Tuy vậy cần phải biết rõ các điều khoản trong các hợp đồng này trước khi có một kết luận cuối cùng.


Theo TTVN

Các tin cũ hơn