Dựa vào số lượng vàng nhập về và xuất đi của Ngân hàng Thụy Sĩ để kết luận còn 400 tấn vàng trong dân là thiếu cơ sở. Một khối lượng vàng không nhỏ bị đã các doanh nghiệp lách luật để xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng vàng trang sức.
Theo TS Nguyễn Thế Hùng, tổng lượng vàng nhập từ các Ngân hàng Thụy Sĩ về Việt Nam từ 1990 đến 2011 khoảng 500 tấn. Lượng vàng miếng xuất sang các ngân hàng Thụy Sĩ tối đa đạt 20 tấn trong giai đoạn 2007 - 2009. Lượng vàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam khoảng 100 tấn. Như vậy, ông Hùng kết luận: Hiện nay, hơn 400 tấn vàng đang nằm chết trong dân.
Dân Việt Nam ôm lại hết số vàng đã nhập từ Ngân hàng Thụy Sĩ trong 21 năm?
Thật ra, vàng của Ngân hàng Thụy Sĩ rất uy tín về chất lượng, nên gần như toàn bộ số vàng nhập về Việt Nam là từ Ngân hàng Thụy Sĩ.
Do đó, TS Hùng đưa ra con số 500 tấn tổng lượng vàng nhập về Việt Nam, là chính xác. Nhưng kết luận dân tích lũy làm của tất cả số vàng mà Việt Nam nhập về trong suốt 20 năm là thiếu cơ sở.
Ai có khả năng ôm vàng trong tình trạng kinh tế vĩ mô suy thoái?
Lạm phát tăng cao, dân phải chật vật với bữa ăn hàng ngày, làm sao có tiền để mua vàng? Chỉ có một bộ phận rất nhỏ trong dân cư có nhu cầu mua vàng để phòng chống tài sản bị mất giá. Đó là các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp phá sản , hay nợ ngân hàng đầm đìa, còn phải bán vàng ra để trả nợ mà vẫn chưa đủ, có đâu mà ôm vàng?
Dựa vào số lượng vàng nhập về và xuất đi của Ngân hàng Thụy Sĩ để kết luận còn 400 tấn vàng trong dân là thiếu cơ sở.
Các nhà đầu tư bất động sản thì sau khi bán vàng ra để đầu tư căn hộ, thì bị dính hết vào bất động sản. Theo số liệu của các chuyên gia, với 60.000 căn hộ tồn đọng, số vốn bị găm giữ lại lên đến 2,86 tỷ USD, tương đương 57,354 tấn vàng (tính theo giá 1.770 USD/ounce).
Có thể nhà đầu tư bất động sản trong cả nước đã bán ra hàng tấn vàng tích lũy và bị dính hết vào bất động sản. Còn các nhà đầu tư vàng liệu có dám ôm vàng không, khi giá vàng Việt Nam cao hơn giá thế giới đến 1-3 triệu đồng/lượng?
Nhà nước bị thiệt khi ngân hàng và doanh nghiệp vàng xuất khẩu vàng
Mỗi khi vàng thế giới rục rịch tăng giá, ngân hàng và doanh nghiệp vàng găm giữ vàng lại để tạo tình trạng khan hiếm giả tạo. Sau đó, họ nhao nhao lên, đòi Nhà nước bình ổn giá bằng cách hạ tỷ giá USD/VNĐ. Trước áp lực của các thế lực vàng, Ngân hàng Nhà Nước buộc lòng phải tạm thời hạ tỷ giá (để cắt cơn sốt vàng).
Và giá vàng Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn giá vàng thế giới. Lúc này là lúc họ thu gom vàng để xuất khẩu. Thường thì họ đâu tài cán gì, chỉ gom vàng của dân với giá rẻ và xuất đi khi giá thế giới vừa chớm tăng.
Sau những thương vụ xuất khẩu vàng của Việt Nam, thường là giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng. Lúc này mới là cơn sốt vàng thật sự, và họ lại kêu gào Ngân hàng Nhà Nước phải nhập khẩu khẩn cấp vàng để bình ổn giá.
Qua những thương vụ xuất khẩu vàng như trên, có lẽ vàng ở Việt Nam không còn nhiều như các chuyên gia đã tính.