Số liệu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố ngày hôm 8/10 cho thấy, trong tuần qua, giá lúa gạo các loại ở ĐBSCL kéo dài xu hướng giảm từ tuần trước đó. Theo đó, giá lúa gạo các loại giảm từ 50-250 đồng/kg tùy loại. Như vậy trong nửa tháng trở lại đây, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã giảm 100-350 đồng/kg tùy loại.
Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường trong tuần qua dao động từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 -150 đồng/kg; lúa dài khoảng 5.900 - 6.000 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với tuần trước đó.
Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường trong tuần qua dao động từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 -150 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.600 - 7.700 đồng/kg tùy từng địa phương, giảm 100-150 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.450 - 7.550 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, giảm 100-150 đồng/kg.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.800 - 8.900 đồng/kg; giảm 150 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.450 - 8.850 đồng/kg, giảm 50-200 đồng/kg; và gạo 25% tấm khoảng 8.050 - 8.150 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Hồi giữa tuần, hãng tin Reuters cho biết, giá gạo Việt Nam và Thái Lan cùng giảm là do nhu cầu của thị trường ở mức thấp. Trong khi đó, nguồn cung gạo lại tăng lên do cả Thái Lan và Việt Nam đều bắt đầu thu hoạch lúa vụ mới.
Ở thời điểm đó, giá gạo trắng tiêu chuẩn loại 100% B của là 590 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam là 445 USD/tấn, loại 25% tấm là 420 USD/tấn. Nông dân Thái hiện đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa chính của năm. Tại Việt Nam, nông dân ĐBSCL cũng đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa thứ 3 trong năm.
Cũng theo tin từ VFA, trong tháng 9, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 749.479 tấn, trị giá FOB 329,750 triệu USD, trị giá CIF 338,870 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm đạt 5,845 triệu tấn, trị giá FOB 2,591 tỷ USD, trị giá CIF 2,656 tỷ USD.