Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc di dời hệ thống cảng trong khu vực nội đô TPHCM, trong đó có cảng Sài Gòn (CSG) phải hoàn tất vào năm 2010. Nhưng đến nay đã quá hạn gần 2 năm rồi mà việc di dời CSG vẫn còn bế tắc.
Ngày 16.5.2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh khởi công xây dựng CSG-Hiệp Phước (CSG-HP).
Tại Hiệp Phước, CSG đã được UBND TPHCM giao 100ha đất để xây dựng cảng mới trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây dựng cảng trên diện tích 54ha, gồm 3 cầu cảng dài 800m, dự kiến cuối năm 2010 sẽ đưa 200m cầu cảng đầu tiên vào hoạt động. Đến lúc đó, việc chuyển giao và tiếp nhận hàng hóa ở cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (NR-KH) (Q.4) bắt đầu được thực hiện tại CSG-HP, theo khả năng tương đương của NR-KH là 8,5 triệu tấn/ năm.
Giai đoạn 2 của CSG-HP theo kế hoạch sẽ được xây dựng tại đây thêm 1.000m cầu cảng, khả năng tiếp nhận 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đã quá hạn gần 2 năm mà CSG - Hiệp Phước chưa hoạt động được.
Do thi công chậm trễ, từ thời điểm dự kiến cuối năm 2010, CSG dời thời điểm phấn đấu đến cuối năm 2011 đưa vào khai thác 600m cầu cảng đầu tiên của CSG-HP.
Nhưng đến đầu năm 2012, có thông tin cho biết CSG-HP mới xây dựng chưa tới 40% khối lượng công việc của toàn bộ dự án giai đoạn 1, thì phải ngừng thi công các hạng mục vì chưa thu xếp tiếp được nguồn vốn đầu tư!
Theo ông Lê Công Minh - Chủ tịch HĐTV, TGĐ CSG - để tránh lãng phí vốn đầu tư, CSG dự kiến sẽ làm thủ tục công bố mở cảng, đưa vào khai thác tạm 200m cầu tàu và 2 bến phao tại CSG-HP.
Giai đoạn từ nay đến 2015 sẽ hoàn tất các hạng mục chưa hoàn thiện, điều chuyển các thiết bị từ cảng NR-KH để khai thác 600m cầu tàu đang xây dựng, đến năm 2020 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án giai đoạn 1 với 800m cầu cảng và các công trình phụ trợ... đưa vào khai thác đồng bộ với đường D3.
Song, vấn đề mấu chốt hiện nay là CSG phải tìm ra nguồn vốn để thực hiện những ý tưởng đó. Được biết, tổng nhu cầu xây dựng CSG-HP 2 giai đoạn cần đến nguồn vốn 7.000 tỉ đồng, chưa kể 260 tỉ đồng xây dựng tuyến đường D3 kết nối vào cảng mới này.
Vòng luẩn quẩn
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND TPHCM đã đồng ý cho CSG kêu gọi vốn đầu tư từ việc chuyển đổi công năng khu cảng phải di dời NR-KH. Tuy nhiên, để kêu gọi được các nhà đầu tư thì phải có đồ án quy hoạch 1/2.000. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM vẫn chưa thể cho ra được bản quy hoạch này?
Khi chưa có cơ sở pháp lý xác định khu đất hiện hữu sẽ chuyển đổi mục đích thế nào? Công năng ra sao? Nhiều phương án được tính đến như đấu giá, kêu gọi đầu tư, góp cổ phần cho dự án chuyển đổi công năng trên khu đất này, không thể có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm tham gia.
Rốt cuộc, CSG vẫn chưa có tiền thực hiện di dời và di dời đúng hạn. Như vậy đã hình thành một vòng luẩn quẩn gây chậm tiến độ di dời CSG: Thiếu kết cấu hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, thiếu cơ sở hạ tầng do thiếu vốn đầu tư, thiếu vốn đầu tư do thiếu đồ án quy hoạch...
Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, làm chậm đi tiến độ di dời CSG ra khỏi khu vực nội đô ngày nào thì càng gây bất lợi trên nhiều lĩnh vực cho TPHCM ngày đó, bên cạnh thực trạng sản lượng hàng hóa qua cảng biển khu vực TPHCM giảm trong những năm gần đây, thì hậu quả của các vấn nạn về giao thông, ô nhiễm môi trường đối với một thành phố đông dân nhất nước ngày càng phức tạp...
Riêng thiệt hại cho CSG về sản lượng, doanh thu, việc làm và đời sống người lao động không còn là chuyện nhỏ.