Hôm nay (8/10), Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo mới nhất cập nhất dự báo về tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2012, trong đó có Việt Nam.
Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể sẽ sụt giảm 1%, từ 8,2% trong năm 2011 xuống còn 7,2% trong năm nay và đồng thời sẽ hồi phục lại ở mức 7,6% trong năm 2013.
Dự báo của World Bank về tăng trưởng kinh tế của các nước trong năm 2012 - 2013.
Tăng trưởng ở các nước phát triển vẫn ở mức khiêm tốn, trong khi sự phục hồi của khu vực chủ yếu đến từ các nước đang phát triển với nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Các nước trong khu vực này cũng đứng trước 1 số rủi ro từ môi trường kinh tế quốc tế, cả trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực. Trong đó, những lo ngại lớn nhất vẫn tập trung ở Trung Quốc với nguy cơ suy thoái sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển ở Đông Á sẽ tìm ra được các giải pháp hiệu quả để thích ứng với khủng hoảng châu Âu hoặc 1 cuộc suy thoái kinh tế mới trên phạm vi toàn cầu.
Đối với Việt Nam, World Bank dự báo tỷ lệ tăng trưởng của năm 2012 và 2013 sẽ lần lượt ở mức 5,2% và 5,7%.
World Bank nhận định, trong vòng 1,5 năm trở lại đây, Việt Nam đã tập trung kiềm chế lạm phát và do đó tăng trưởng đầu tư bị chậm lại đáng kể. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm, chính sách đã có phần linh hoạt hơn.
Bằng chứng rõ ràng nhất là trong bối cảnh lạm phát giảm xuống, Việt Nam đã nhanh chóng hạ lãi suất từ mức 15% hồi cuối năm 2011 xuống còn 11%. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước châu Á như Philippines, Indonesia và đặc biệt là Trung Quốc.
Một điểm quan trọng đáng chú ý ở Việt Nam đó là thu nhập bình quân của người lao động đã tăng lên khá nhanh, chỉ đứng sau Trung Quốc. Thu nhập bình quân của người lao động ở tất cả các nước trong khu vực đều tăng, trong đó Trung Quốc là nước ghi nhận sức tăng mạnh nhất.